Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho học sinh vùng cao khi không còn chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Hiện nay trên địa bàn huyện Si Ma Cai có hơn 3 nghìn học sinh đang chịu ảnh hưởng từ quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, riêng ngành giáo dục huyện Si Ma Cai có 04 xã, và một thị trấn học sinh sẽ không còn được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ cho công tác giáo dục và đào tạo, đây là một thách thức không nhỏ với một huyện còn khó khăn như Si Ma Cai. Để tháo gỡ khó khăn cấp ủy, chính quyền, huyện Si Ma Cai đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ. 

Những năm học trước huyện Si Ma Cai có 23 trường PTDT bán trú, với gần 10 nghìn học sinh ăn ở bán trú tại trường. Nhưng khi Quyết định 861/QĐ-TTg thì rất có thể năm học tới huyện sẽ giảm xuống còn 13 trường theo mô hình này. Bên cạnh đó năm học 2021 - 2022 này, tất cả học sinh lớp 3 ở các điểm trường lẻ sẽ về trường chính học tập. Nếu không có các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, với mặt bằng kinh tế chung của huyện đang thấp như hiện nay, thì việc huy động học sinh ra lớp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai cho biết: Khi quyết định 861 có hiệu lực không chỉ nhiều chế độ, chính sách của học sinh bị cắt giảm, mà tiền lương, phụ cấp của các giáo viên thuộc các trường này cũng giảm theo, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ giáo viên, cũng như việc duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần tại các trường khi thực hiện quyết định 861.

Hai đối tượng của ngành GD&ĐT huyện Si Ma Cai bị ảnh hưởng bởi quyết định 861 là giáo viên và học sinh. Với giáo viên, chế độ phụ cấp đối với GV trường PTDTBT, phụ cấp đối với CBQL, GV công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, chính sách đối với GV dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt, sẽ bị giảm khá nhiều, trung bình khoảng ¼ tiền công và tiền lương hiện hưởng, điều này sẽ tác động không nhỏ đến tư tưởng của GV không còn được hưởng chính sách. Việc cắt, giảm một số chính sách hỗ trợ cho học sinh, như tiền ăn, tiền mua đồ dùng học tập, tiền mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ đồ dùng cá nhân cho học sinh, bị cắt giảm một nửa hoặc không có nữa, dẫn đến việc huy động học sinh ra lớp gặp nhiều khó khăn, tăng nguy cơ học sinh bỏ học và giảm tỷ lệ chuyên cần trên lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đặc biệt là đối với những học sinh nhà quá xa trường, không thể đi về trong ngày, cha mẹ học sinh không có điều kiện đưa đón con hàng ngày. 


Trước thực tế này, UBND huyện Si Ma Cai đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, bàn các giải pháp, thống nhất các phương án, chỉ đạo ngành Giáo dục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cho UBND huyện các văn bản chỉ đạo các xã, trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ cho UBND các xã, thị trấn, phân công nhiệm vụ cho các trường học trên địa bàn huyện triển khai các giải pháp tích cực để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ phối hợp với phòng GD&ĐT huyện triển khai thực hiện các giải pháp. Trước mắt, tập trung động viên giáo viên khắc phục khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm vì học sinh. Các trường nỗ lực tuyên truyền vận động để duy trì các bưa ăn đảm bảo chất lượng cho học sinh. Đến thời điểm này được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt là phòng GD&ĐT huyện, nhà trường vẫn duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần, chất lượng dạy và học vẫn được duy trì và đảm bảo. 

Cấp ủy chính quyền các xã bị ảnh hưởng bởi quyết định 861 cũng đang sát cánh cùng với các nhà trường, có nhiều giải pháp đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác giáo dục, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác kêu gọi sự giúp đỡ của các cấp các ngành và các nhà hảo tâm để giúp các đơn vị trường tháo gỡ khó khăn.Trao đổi với tôi ông Hoàng Seo Chang, Phó chủ tịch, UBND xã Bản Mế cho biết: hiện nay cấp ủy, chính quyền xã đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động công tác xã hội hóa giáo dục, giao nhiệm vụ cụ thẻ cho thành viên ban chỉ đạo xã, đảy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục

Năm học 2021 - 2022, Trường PTDTBT TH số 2 xã Sín Chéng có 256 học sinh, 100% các em đều là con em đồng bào Dân tộc thiểu số. Theo kế hoạch năm học này nhà trường có tổng số 120 em học sinh ăn ở bán trú, nhưng do bị cắt giảm chính sách hỗ trợ, hiện nay nhà trường chỉ còn 103 học sinh ăn bán trú. Theo Quyết định 861, các em học sinh của nhà trường sẽ không còn được hỗ trợ tiền với mức 0,4 mức lương cơ sở, mà chỉ còn được hỗ trợ 0,2 mức lương cơ sở theo nghị quyết 12 của HĐND tỉnh hết năm học này, chế độ hỗ trợ văn phòng phẩm và đồ dùng sinh hoạt cũng không còn, nhà trường cũng không được hỗ trợ kinh phí để thuê cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh theo Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ. Đứng trước khó khăn đó, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn tạo tâm thế vững vàng cho học sinh, giáo viên yên tâm học tập, giảng dạy. Nói  về công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ông Nguyễn Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH số 2 xã Sín Chéng cho biết: nhà trường đã tham mưu cho xã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị cho công tác xã hội hóa giáo dục, tuy nhiên ông vẫn lo ngại khi nghị quyêt số 12 HĐND tỉnh hết hiệu lực, sẽ khó trong công tác giáo dục của nhà trường.

Để duy trì bữa ăn cho học sinh ăn ở bán trú tại trường, vừa đảm bảo cho học sinh có đủ chất dinh dưỡng, nhà trường đang tích cực tuyên truyền vận động phụ huynh học sinh quyên góp, ủng hộ củi, gạo, rau xanh để nhà trường duy trì tốt bữa ăn bán trú cho học sinh, để các em có thể yên tâm học tập. Cho đến thời điểm này phụ huynh học sinh cũng rất đồng tình ủng hộ. Chị Lèng Thị Dín, thôn Bản Giáng, xã Sín Chéng cho biết, được sự tuyên truyền của cấp ủy chính quyền, chị biết là sự hỗ trợ của nhà nước giảm, lên rất ủng hộ nhà trường, nhất trí đóng góp thêm gạo và rau xanh cho các cháu học sinh. Còn với chị Chị Tráng Thị Hiệp, thôn Sín Chải, xã Sín Chéng thì hoàn cảnh khá khó khăn, chồng thường xuyên đi làm ăn xa, kinh tế gia đình không khá giả gì, dù vẫn ủng hộ song rất mong nhà nước có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các cháu học sinh.

Với những giải pháp trên, chắc chắn Si Ma Cai sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách đối với nhà giáo và học sinh. Tuy nhiên để tạo dựng được tiền đề vững chắc, yên tâm công tác, nỗ lực hơn nữa trong học tập, đảm bảo duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đối với đội ngũ nhà giáo và học sinh vùng cao như Si Ma Cai, đang rất cần sự quan tâm, tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ phía Đảng, Nhà nước, các cấp bộ ngành trung ương, tỉnh và huyện./.


Thanh Nhàn
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1