Bức tranh tươi sáng nông nghiệp, nông thôn Si Ma Cai

Đúng vào thời điểm này 55 về trước, vào ngày 15/11/1966, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 197-CP chia huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thành hai huyện mới là huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai. Huyện Si Ma Cai khi mới thành lập gồm có 17 xã. Từ đây, lịch sử Si Ma Cai được khai lập và hình thành dòng chảy cho mãi tới ngày này.

 Lật từng trang sử vàng lịch sử Đảng bộ huyện Si Ma Cai, những năm đầu thành lập huyện, vùng đất Si Ma Cai xa xôi ít ai biết đến, là nơi sinh sống của rất nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, vắt vẻo an cư dưới lòng thung và nơi lưng chừng núi. Cuộc sống lúc bấy giờ của người dân còn rất nhiều khó khăn. Nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Người nông dân chân chất chỉ biết “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chăm chỉ cuốc nương trồng ngô, vỡ đất trồng lúa mà chẳng mảy may suy nghĩ gì đến tương lai. Cùng với đó, các hoạt động giáo dục, văn hóa, xã hội cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, chưa kể do phong tục tập quán lạc hậu đã bào mòn tinh thần, vật chất của người dân, đời sống của người dân vẫn còn vô cùng khổ cực.

Trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, Đại hội Đảng bộ huyện Si Ma Cai lần thứ I, giai đoạn 1966 -1968 đã tiến hành, thống nhất mục tiêu Nghị quyết quan trọng đó là đẩy mạnh sản xuất, nhất là nông nghiệp, coi đây là mặt trận hàng đầu rất quan trọng. Trước hết tập trung chỉ đạo phát triển hợp tác xã và vận động nhân dân vào làm ăn tập thể, đưa hợp tác xã lên bậc cao với phương châm củng cố hợp tác xã đã được xây dựng là chính, làm cho hợp tác xã đi vào ổn định và đẩy mạnh thâm canh cây lúa, từng bước tạo điều kiện phát triển nông nghiệp toàn diện. Từ năm 1966 đến năm 1968, huyện tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nên phong trào hợp tác hóa của huyện có bước phát triển. Năm 1967 có 99 hợp tác xã gồm 2.829 hộ xã viên chiếm 93% trong đó có 28 hợp tác xã đạt loại khá. Nhân dân chung sức đồng lòng thi đua phát triển kinh tế, xã hội từng bước tạo dừng lên hình thái khu sản xuất nông nghiệp, sống quần cư nông thôn ngày nay.

Xuyên suốt hành trình lịch sử 55 năm đã qua, bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những bước thay đổi ngoạn mục. Si Ma Cai có lúc thăng, lúc trầm. Đời sống của người dân nhiều thời điểm khó khăn do thời tiết thất thường, đất đai cằn cỗi. Chiến tranh biên giới năm 1979 kết thúc khiến đời sống của người dân kiệt quệ. Tuy nhiên, nhân dân các dân tộc huyện Si Ma Cai tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vững tin vào các chính sách an sinh xã hội mà từng bước đi vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, thách thức.

Chủ đạo của Si Ma Cai ngày nay vẫn là sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn lấy làm trọng tâm. Những năm trở lại đây, khi nhắc đến Si Ma Cai, người ta không chỉ nhớ đến những phiên chợ vùng cao, thắng cảnh thiên nhiên, mà nơi đây được nhiều người biết đến nhờ những trái cây ăn quả ôn đới như mận Tả Van, lê tai nung hay những sản phẩm dược liệu như tam thất, đương quy đều đã có tiếng tăm trên thị trường trong nước. Si Ma Cai đã từng bước khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế so sánh, tự nhiên để hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang tính đặc thù. Các giống cây con đặc sản địa phương như cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi đại gia súc, rau trái vụ được khai thác tối đa lợi thế và hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, các chuỗi tiêu thụ sản phẩm và các mô hình kinh tế tập thể, mô hình khởi nghiệp. Phát triển nông nghiệp hàng hóa ngày càng rầm rộ và thúc đẩy sự hợp tác giữa "4 nhà" trong nông nghiệp. Các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, đa dạng hóa sinh kế ngày càng hiệu quả. Trên địa bàn huyện Si Ma Cai ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Câu chuyện nở rộ các mô hình kinh tế trang trại, tổng hợp hay vùng hàng hóa giờ đây không còn là chuyện hiếm trên địa bàn Si Ma Cai so với thời điểm cách đây chục năm về trước. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nền nông nghiệp của huyện đã có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Hầu hết các địa phương đều có mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và những nông dân sản xuất giỏi tích cực tham gia vào chuỗi liên kết, nhóm sở thích. Từ các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh và các chương trình dự án, chương trình 135, 30a, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ khác từ trung ương đến địa phương, huyện đã đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, các công trình về giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục và các kết cấu hạ tầng thiết yếu của địa phương, góp phần quan trọng nâng cao năng lực phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

Nhìn lại bức tranh tổng thể nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã đạt được rất nhiều thành tựu. Đến cuối năm 2020, toàn huyện đạt 28.447 tấn lương thực, so với thời điểm năm 1966 tăng hơn 600 lần. Tổng đàn gia súc 43.650 con trong khi những năm 1966 chỉ là một số ít hộ chăn nuôi lợn thả rông, nhỏ lẻ. Đặc biệt, những năm trở lại đây, với định hướng chủ trương đúng đắn khai thác lợi thế khí hậu địa phương, người dân đã chú trọng phát triển cây ăn quả ôn đới với tổng diện tích gần 1.000 ha và ước sản lượng cho thu hoạch năm 2021 hơn 1.100 tấn. Bên cạnh đó, cây dược liệu từ những mô hình nhỏ lẻ của bàn con làm thuốc đã từ lâu đời nay đã có quy mô 130 ha. Tổng hòa đã tạo nên bức tranh nông nghiệp đầy tiềm năng, lợi thế phát triển cho tương lai.

Nếu ai đã từng đi và đến Si Ma Cai, thâm nhập sâu vào trong những làng, bản vùng cao thì mới thấu hiểu rằng câu chuyện phát triển Si Ma Cai không chỉ là ngày một, ngày hai mà đó là cả một quá trình. Chỉ cần đi thôi đã thấy mệt chứ chưa nói gì đến việc người dân vùng cao Si Ma Cai đã sống qua nhiều thế hệ, chinh phục từng núi đá để có một bức tranh nông nghiệp, nông thôn như ngày hôm nay. Từ một huyện nghèo biên giới xa xôi nhưng nay đã có những bước đổi thay lớn, huyện Si Ma Cai xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội nhằm khơi dậy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. Xác định xây dựng xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Hữu Huỳnh - Ngô Hà
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1