Cây ý dĩ trên vùng cao Si Ma Cai
Nhiều hộ dân Si Ma Cai chuyển đổi diện tích nương đồi kém hiệu quả sang trồng cây ý dĩ.

Giữa cái nắng oi ả của những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tới thăm khu vực trồng cây ý dĩ của gia đình anh Thào Seo Kéng, thôn Sảng Chải, xã Lử Thẩn. Anh Kéng chia sẻ: Do địa hình núi đá, khô cằn, thường xuyên thiếu nước, nên gần 2 ha đất đồi trồng ngô, đậu, lúa nương của gia đình năng suất thấp. Cuối năm 2014, nghe thông tin các thương lái hỏi mua hạt ý dĩ với giá thành cao, anh Kéng bàn với vợ đem loại cây này về trồng thử. Cuối tháng 9/2015, gia đình anh đã thu hoạch được trên 7 tạ hạt ý dĩ, trừ chi phí, gia đình anh lãi trên 15 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế cây ý dĩ mang lại, gia đình anh đã chuyển đổi gần 4.000 m2 đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây ý dĩ. Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng Seo Sình, Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn cho biết: Trước đây, cây ý dĩ thường được người dân sử dụng làm lương thực vào mùa giáp hạt. Giờ đây, khi nhận ra giá trị tiềm năng, cây ý dĩ được đưa vào trồng phổ biến hơn. Với giá bán trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg hạt, có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích nương đồi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây ý dĩ. Cây ý dĩ có tên khoa học Coix lachryma - jobi L, là cây dược liệu được trồng tại nhiều địa phương trong cả nước. Theo Đông y, hạt ý dĩ dùng làm thuốc bổ và bồi dưỡng cơ thể, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh, chữa các bệnh, như viêm phổi, viêm ruột, sỏi thận, tê thấp, nhức mỏi chân, tay… Theo đánh giá, ý dĩ là cây sinh trưởng ngắn ngày, rễ trồng, có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi ở vùng cao, không tốn công chăm sóc. Bởi vậy, địa phương vùng cao như Si Ma Cai có nhiều lợi thế để trồng loại cây này.

Năm 2016, huyện Si Ma Cai hỗ trợ nông dân 6 xã trên địa bàn trồng 125,5 ha cây ý dĩ gồm: Lử Thẩn 24,5 ha, Lùng Sui 29,5 ha, Cán Cấu 18,5 ha, Sán Chải 11 ha, Nàn Sán 19 ha, Thào Chư Phìn 23 ha, với tổng số 251 hộ tham gia. Các hộ tham gia trồng được hỗ trợ 100% giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tổng số vốn thực hiện trên 3,5 tỷ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ theo chương trình giảm nghèo của WB là hơn 2,1 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 783 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện Si Ma Cai phối hợp với Công ty TNHH Tâm Phát Green tại Lào Cai đảm bảo nguồn tiêu thụ ổn định cho người dân.

Người dân và chính quyền địa phương hy vọng, việc đưa cây ý dĩ vào trồng sẽ từng bước góp phần phát triển vùng sản xuất dược liệu hàng hóa cung cấp cho thị trường, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

TIẾN SỸ
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1