Giảm nghèo bền vững tại huyện Si Ma Cai

Si Ma Cai là huyện vùng cao, biên giới với 10 xã, thị trấn và 59 thôn, tổ dân phố, trong đó có 3 xã biên giới. Địa hình của huyện có độ dốc lớn, phân cách mạnh, nhiều thung lũng nhỏ hẹp. Năm 2015 tổng số hộ nghèo của huyện là 3.865 hộ, chiếm 57,01%  đến  năm 2019 số hộ nghèo giảm còn 1.221 hộ với 16,35%, trung bình mỗi năm giảm trên 8%/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016, Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Si Ma Cai đến năm 2020 gồm 54 đồng chí, trong đó đồng chí Bí thư Huyện uỷ là Trưởng ban chỉ đạo; Phó ban chỉ đạo thường trực là đồng chí Chủ tịch UBND huyện; các thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; Bí thư các xã. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với UBND các xã lồng ghép các hoạt động chuyên môn thực hiện chương trình, dự án góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và chỉ đạo tổ chức tuyên truyền các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân, để nắm bắt và triển khai thực hiện, nhằm từng bước xóa đói giảm nghèo.

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP và Chương trình 135, Huyện được giao giai đoạn 206-2020 là: 1.041.848 triệu đồng, tính đến hết năm 2019 đã quyết toán là 821.613 triệu đồng. Số tiền được dùng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo như hỗ trợ giống ngô, lúa, giống lê Tainung VH6, cây Sơn tra, phân bón; chăn nuôi lợn đen bản địa; trồng cây dược liệu; trồng rau trái vụ; phát triển gà đen HMông… triển khai công tác xuất khẩu lao động ra nước ngoài và thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới 13/13 xã. Giai đoạn 2016-2020 huyện đã có trên 7 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề ở các cấp trình độ, lũy kế đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 7.916/21.392 lao động chiếm 37%.

Ngoài ra, Huyện cũng đã thực hiện một số chính sách giảm nghèo khác như: Chính sách vay vốn tín dụng, trong đó tập trung tại các chương trình giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hộ mới thoát nghèo; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý được 30 vụ; chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về hỗ trợ chi phí học tập, miễn học phí cho học sinh con hộ nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo là con hộ nghèo...; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội giai đoạn 2016-2020 với 5.168 triệu đồng; chính sách Bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh đã được triển khai thực hiện trong giai đoạn là 156.132 triệu đồng bao gồm việc khám chữa bệnh và mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người kinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, trong thời gian qua đã xóa nhà tạm cho hộ nghèo là 83 nhà; chính sách nước sạch vệ sinh môi trường được triển khai rộng rãi. Đến nay trên địa bàn huyện, tỷ lệ người được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn đạt 87%, hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 70,9%; hộ chăn nuôi có chuồng đảm bảo vệ sinh 4.293/5.548 hộ đạt 77%...

Trên cơ sở triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện trong những năm qua tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, tính bình quân giảm trên 8,93%/năm, đạt so với mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu kế hoạch giảm trên 8%/năm), tỷ lệ tái nghèo dưới 1% đạt mục tiêu so với kế hoạch.

Có thể thấy với sự chỉ đạo của UBND huyện và quyết tâm nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân, đồng thời bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã phát triển, diện mạo nông thôn miền núi thay đổi rõ nét, các lĩnh vực đều đạt và vượt so với mục tiêu chương trình đề ra. Công tác xóa đói giảm nghèo đã được nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, đời sống và sức khoẻ của nhân dân được nâng lên, các giải pháp hỗ trợ sản xuất đã được chú trọng, đặc biệt là chương trình khuyến nông - khuyến lâm nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác y tế, giáo dục ngày càng được nâng cao, nhận thức của nhân dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế xóa đói giảm nghèo đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, Si Ma Cai là một trong những huyện nghèo của cả nước nên còn nhiều khó khăn về cơ sở, vật chất, kỹ thuật. Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế, yếu về phương pháp lãnh đạo và tổ chức thực hiện, việc phân công cho từng thành viên Ban chỉ đạo xã còn chưa cụ thể rõ ràng, ảnh hưởng đến công tác xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ nông dân chưa thực sự nỗ lực trong sản xuất, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước. Một số hộ gia đình được vay vốn song lại thiếu kiến thức, không có kinh nghiệm làm ăn nên việc sử dụng đồng vốn không có hiệu quả nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững của Huyện.

Những tồn tại, hạn chế đó xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu là do là Si Ma Cai là huyện nghèo vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng. Hàng năm trên địa bàn huyện thường xảy ra sạt lở và xói mòn kèm theo gió lốc gây thiệt hại không nhỏ về tài sản nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xóa đói giảm nghèo. Trình độ đội ngũ cán bộ xã và thôn bản còn hạn chế, nên việc lãnh đạo thực hiện chính sách giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Một số người dân chưa mạnh dạn trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác, khoa học tiên tiến vào sản xuất; vẫn còn hiện tượng thả rông gia súc, công tác vệ sinh môi trường nông thôn chưa được khắc phục triệt để.

Trong thời gian tới để khắc phục những tồn tại hạn chế đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, của các cấp. Xác định rõ việc thực hiện giảm nghèo bền vững là trách nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị huyện Si Ma Cai nên cần xem xét cụ thể tình hình thực tế của từng địa phương để đề ra mục tiêu, biện pháp thực hiện cho phù hợp với nguyện vọng của từng địa phương cụ thể và nhu cầu của người dân. Có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tập thể các cơ quan, đơn vị trực tiếp giúp đỡ xã, thôn và tới từng hộ gia đình, cùng với họ trực tiếp tham gia vào việc phát triển kinh tế, từng bước xóa được đói, giảm được nghèo.

Hai là, tiếp tục vận động, quán triệt các tầng lớp nhân dân tích cực lao động sản xuất từng bước xóa đói, giảm nghèo. Tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước tới người dân. Đồng thời nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, các đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản... trong việc tiên phong tham gia phát triển kinh tế tại địa phương. Đây sẽ là những tấm gương tiêu biểu để mọi người dân địa phương học tập và làm theo.

Ba là, chính quyển địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo. Căn cứ vào các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chủ động triển khai có hiệu quả các mô hình phù hợp với địa phương đồng thời cần kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế ở địa phương.

Bốn là, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, của đại biểu Hội đồng nhân dân và Nhân dân địa phương trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững tại Si Ma Cai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách trên địa bàn góp phần hạn chế những thiếu sót và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, có hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả việc giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Si Ma Cai, từng bước đưa huyện Si Ma Cai ngày càng phát triển, theo kịp với sự phát triển chung của tỉnh, phấn đấu đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Si Ma Cai nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.

 

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1