Huyện Si Ma Cai: nhiều cách làm hay trong xóa đói giảm nghèo

Si Ma Cai là huyện có khí hậu tiểu vùng ôn đới đặc thù, rất phù hợp cho phát triển các loại rau màu trong vụ đông. Vì vậy, vài năm gần đây, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai phát triển nhiều mô hình sản xuất rau vụ đông tại các xã Mản Thẩn, Nàn Sín, Sín Chéng. Để khuyến khích người dân phát triển diện tích cây vụ đông, huyện Si Ma Cai đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ. Riêng cây rau bắp cải trái vụ hiện đã được trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai tới 10/13 xã, với tổng diện tích trồng trong vụ đông năm nay gần 24 héc ta, năng xuất trung bình đạt khoảng 25 tấn/ha, với giá bán bình quân 8 nghìn đồng/kg, ước tính người dân thu nhập tới trên 200 triệu /1 héc ta trồng bắp cải trái vụ. Đây là loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất ổn định. Theo tính toán thì khi trồng 1ha rau bắp cải cho thu lãi gấp từ  8 đén 10 lần so với trồng cây ngô.

Vườn bắp cải này là của gia đình anh Lừu Mí Lùng thôn Say Sáng Phìn, xã Mản Thẩn, đây là một trong những hộ tiêu biểu của xã về trồng rau vụ đông đem lại nguồn thu nhập cao. Hiện nay gia đình anh đang tập trung chăm sóc 0,5 ha rau bắp cải để bán dịp sau tết, khi nhu cầu rau xanh tăng cao. Cũng trên diện tích này và cũng với cây bắp cải, vụ đông trước gia đình đã thu về được trên 30 triệu đồng. Chất lượng cải bắp trồng ở Si Ma Cai rất ngon nên thị trường có nhu cầu lớn, nhiều thời điểm các thương lái đến tận ruộng để thu mua. Những vụ rau trái vụ  càng đắt khách và bán được giá hơn.

Về nuôi trồng thủy sản, huyên Si Ma Cai đang tập trung phát triển thí điểm tại xã Bản Mế, hỗ trợ 50% tiền mua con giống cho các hộ nuôi bằng nguồn vốn 135. Đây là địa phương có nguồn nước dồi dào để phát triển thủy sản, đất đai bằng phẳng có thể quy hoạch làm ao nuôi cá. Cấp ủy, chính quyền xã Bản Mế đã quyết định vận động nhân dân tập trung phát triển mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Năm 2017, riêng các hộ dân ở các thôn Na Pá, Sín Chải, Cốc Nghê, Bản Mế đã phát triển được 4ha ao nuôi cá Trắm cỏ, trắm đen, Rô phi, Chép và Trê phi.

Đây là gia đình chị Giàng Thị Coi thôn Sín Chải, xã Bản Mế - là một trong những hộ dân tiêu biểu, tiên phong trong phát triển mô hình nuôi cá. Hiện nay, gia đình chị có 4 ao nuôi cá, ước diện tích khoảng 1 ha mặt nước. Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ  việc nuôi cá, gia đình đã mạnh dạn vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng ao nuôi và thả tới 10 nghìn con cá giống các loại, chủ yếu là cá chép, cá trê và rô phi đơn tính. Hiện nay cá đang sinh trưởng tốt và không bị dịch bệnh, trọng lượng sau gần nửa năm nuôi đã đạt 1 đến 3kg/con, tùy từng loại cá. Theo tính toán của chị Coi thì lợi nhuận từ nuôi cá thường dạt khoảng 100% so với số vốn đầu tư, trong khi nếu nuôi gà, vịt thì lợi nhuận chỉ đạt từ 20 đến 30%.

Cũng trong năm 2017, ngành nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã khuyến khích phát triển mô hình trồng nghệ hàng hóa, tập trung tại 2 xã Bản Mế và Thào Chư Phìn, với diện tích khoảng trên 40 ha. Cây nghệ đang trở thành hướng phát triển kinh tế mới, giúp cho bà con nhân dân tận dụng quỹ đất nhàn dỗi và thời gian lúc nông nhàn để tăng thêm nguồn thu nhập. Diện tích nghệ đã được trồng đều phát triển tốt, cho năng xuất cao, ít bị nấm, lượng tinh bột cao. Hiện nay, người dân cũng không phải lo lắng về đầu ra của củ nghệ, bởi các thương lái thường đến thu mua trực tiếp tại các vườn với giá khá cao. Điều này đã tạo động lực cho người dân tiếp tục đầu tư phát triển cây nghệ.

Gia đình anh Ly Seo Mùa ở thôn Cẩu Pì Chải, xã Thào Chư Phìn trồng 2 giống nghệ xanh và nghệ đỏ. Năm nay, nếu bán nghệ, gia đình sẽ thu lãi trên 10 triệu đồng. Nhưng với tính toán sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và xen canh với các loại cây trồng khác, anh Mùa quyết định không bán mà để lại toàn bộ số củ này để làm giống.

Với diện tích trồng nghệ lớn, tại 2 xã Bản Mế và Thào Chư Phìn đã xuất hiện nhiều điểm thu mua, hoạt động khá tấp nập. Chị Lù Thị Hoa thôn Na Pá, xã Bản Mế mở nghề thu mua củ nghệ đã được 4 năm nay. Theo chị giá củ nghệ luôn khá ổn định, không có sự chênh lệch nhiều giữa các vụ. Trung bình mỗi năm chị thu mua được gần 10 tấn củ nghệ các loại, trong đó có một lượng lớn nghệ xanh, có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại khác, khoảng 7 nghìn đồng/1kg.

Khắc phục những khó khăn về diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương. Vụ động năm nay, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã tham mưu cho huyện triển khai thêm những mô hình phát triển kinh tế mới, qua khảo nghiệm đã đem lại hiu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

          Những mô hình kinh tế mới như nuôi thủ sản, trồng nghệ, trồng rau trái vụ ở các xã của huyện Si Ma Cai là biểu hiện sinh động về sự đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm, sự tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này. Hiệu quả bước đầu mà những mô hình này mang lại là khá tích cực, đặc biệt là với diện tích cây vụ đông – mùa vụ mà hầu như trước đây người dân địa phương chỉ để đất hoang, không có hoạt động trồng cấy. Trong thời gian tới, những loại cây trồng, vật nuôi mới được khảo nghiệm thành công sẽ được nhân ra diện rộng, góp phần giúp người nông dân Si Ma Cai thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu từ chính những lợi thế sẵn có của địa phương./.

Tloan –T.Nhàn

 

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1