Phát triển cây dược liệu Tam thất ở xã Quan Hồ Thẩn

         Quan Hồ Thẩn là xã có điều kiện thuận lợi để phát triển các nông sản đặc thù như cây ăn quả ôn đới, cây rau trái vụ và các cây dược liệu... Trong những năm gần đây,  bằng các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, cùng với với sự mạnh dạn chuyển đổi suy nghĩ  trong đầu tư phát triển kinh tế, tích cực học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân, nhiều mô hình cây dược liệu đã được triển khai thành công như cây Đương quy, Tam thất, đã mang lại thu nhập cao cho nhân dân, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.   Với địa hình núi cao, khe sâu, đá nhiều hơn đất, thiếu nước để sản xuất đó là những lý do khiến cho người dân luôn gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, vượt lên trên những bất lợi đó, bà con nhân dân ở xã Quan Hồ Thẩn đang từng ngày phát triển kinh tế bằng những mô hình nông nghiệp phù hợp, hiệu quả. Với sự hỗ trợ của các nguồn vốn từ Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai, nguồn vốn tự có của nhân dân, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng cây Tam thất để có thu nhập cao. Tam thất là loại cây dược liệu vốn được sử dụng phổ biến trong y học. Cây Tam thất thu hoạch củ sau khoảng 03 năm, nhưng nó cũng là cây cho thu hàng năm nhờ các sản phẩm phụ như lá và hoa. Các sản phẩm phụ này, hàng năm cho nguồn thu trên 100 triệu đồng/ha. Sau 3 năm trồng bình quân mỗi ha sẽ thu được khoảng 500 triệu/ha , sau khi đã trừ chi phí chưa kể tới nguồn thu từ các sản phẩm phụ. Lá và hoa Tam thất được sử dụng để làm trà có giá trị cao. Đây là một điều thuận lợi để phát triển bền vững cây trồng do đảm bảo được nguồn thu đều cho nông dân.

Như vậy, có thể nói với việc có điều kiện phát triển trên vùng đất Si Ma Cai, cây Tam thất có thể đem lại nguồn thu nhập lớn cho người sản xuất. Việc phát triển bền vững dược liệu này không chỉ đem lại những giá trị về kinh tế mà còn góp phần phát triển xã hội với việc giải quyết nhu cầu lao động cho người dân địa phương. Mở ra một hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho nông dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai nói chung và nông dân Quan Hồ Thẩn nói riêng. Phát triển cây Tam thất sẽ giúp giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, sử dụng và phát huy được vai trò của người phụ nữ trong gia đình, góp phần bình đẳng giới. Nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình vì trồng Tam thất sử dụng chủ yếu là lao động nữ.

Từ năm 2014,  xã Quan Hồ Thẩn đã trồng được hai vườn với tổng diện tích là 4,2 ha, cây phát triển tốt đã cho thu hoạch. Đến năm 2018 với nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai, xã Quan Hồ Thẩn  tiếp tục triển khai cho 15 hộ dân thực hiện trồng 5 vườn với tổng diện tích là 4 ha. Cây phát triển tốt đã cho thu hoạch nụ hoa và củ giống. Sản lượng nụ hoa thu được của cả xã năm 2019 được hơn 300 kg hoa tươi, bán giá 500 nghìn đồng/kg thu được trên 150 triệu đồng. Sản lượng củ giống thu được 700kg/0,27ha, bán giá 300 nghìn đồng/kg thu được 210 triệu đồng. Có thể khẳng định điều kiện đất đai, khí hậu của xã phù hợp với cây Tam thất. Việc phát triển cây Tam thất sẽ tạo ra hướng sản xuất mới để nhân dân phát triển kinh tế vươn lên làm giàu, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhưng để trồng và thu hoạch được loại cây quý hiếm này thì không phải là câu chuyện đơn giản. Để cho cây phát triển tốt phải đầu tư nguồn vốn lớn, người trồng cây tam thất phải tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, Thường xuyên theo dõi chăm sóc cây hàng ngày kịp thời phát hiện sử lý các vấn đề nảy sinh, để không làm ảnh hưởng đến cây.

            Với những thành quả ban đầu của mô hình trồng cây Tam thất, đã có nhiều đoàn đến tham quan học tập kinh nghiệm về cách làm của nhân dân xã Quan Hồ Thẩn. Chỉ riêng trong năm 2019 đã có hơn 30 đoàn lãnh đạo tỉnh Lào Cai, lãnh đạo là Bí thư Huyện ủy các huyện và nhiều nơi đến tham quan các vườn Tam thất trên địa bàn xã .

Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng và làm cho cây Tam thất trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế thì cần tiếp tục có phương thức hỗ trợ cho nhân dân. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Tam thất cho nhân dân. Xây dựng khu chế biến các sản phẩm từ Tam thất để nâng cao giá trị của Tam thất. Đăng ký thương hiệu cây Tam thất Si Ma Cai để làm cơ sở quáng bá giới thiệu các sản phẩm Tam thất đặc sản đến người tiêu dùng trong nước. Tránh bị các sản phẩm từ bên ngoài cạnh tranh, gây mất uy tín đối với người tiêu dùng. Tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh về cây Tam thất để phát triển sản xuất quy mô lớn, nhằm thu hút các doanh nghiệp vào thu mua và đầu tư liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Tam thất. Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Tam thất của xã nói riêng và huyện Si Ma Cai nói chung. Chỉ đạo các ngành nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để giúp nhân dân chăm sóc phòng chống các bệnh thường gặp của cây Tam thất một cách có hiệu quả.

Giàng Seo Châu - Bí thư xã Quan Hồ Thẩn

 

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1