Chương trình nông thôn mới giúp người dân vùng cao làm giàu

Điều vui mừng nhất chính là những luống giói đổi mới, đã làm chuyển biến cách nghĩ cách làm của đại bộ phận nhân dân, theo hướng tích cực. Người dân đã có nhiều thay đổi, từ tư duy, nhận thức, những tư tưởng trông chờ, ỷ lại và sự hỗ trợ, đầu tư của đảng và nhà nước đã trở lên lạc hậu, người nông dân đã chủ động tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhiều hộ dân đã tự tìm tòi, mạnh dạn đầu tư vốn, hoặc vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, bằng cách đưa những loại giống cây, con mới, có năng xuất, sản lượng cao và thay thế các loại cây giống kém hiệu quả. Với sự tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và sản xuất, chăn nuôi đã giúp ngành nông nghiệp huyện có những bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người nông dân

Tìm hiệu thực tế chúng tôi nhận thấy, trên địa bàn huyện Si Ma Cai hiện có trên 100 hộ đã chuyển đổi sang trồng cây dược liệu như: Tam thất, Đương quy, Sa nhân tím và một số cây  loại cây  khác.  Đây đều là những loại cây khá phù hợp với khí hậu,thổ nhưỡng của huyện Si Ma Cai, tuy việc trồng các loại cây này đòi hỏi người dân phải ứng dụng đúng các quy trình kỹ thuật, mất nhiều vốn đầu tư và công chăm sóc, song hiệu quả kinh tế thì cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa.

Nhận thấy thôn Mản Thẩn, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai có thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp với việc trồng, phát triển cây tam thất. Năm 2014, gia đình chị Vũ Thị Nhung cùng với 03 hộ dân  khác trong xã mạnh dạn đầu tư trên 500 triệu đồng, xây dựng vườn tam thất có diện tích khoảng 1 ha. Cây sinh trưởng, phát triển khá tốt, song vì thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc, nên khi thu hoạch củ tam thất hơi nhỏ, dẫn đến năng xuất không cao, tuy nhiên sản phẩm của gia đình chị làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó, sau thu hoạch vườn tam thất này vẫn cho gia đình chị khoản lãi sau khi trừ chi phí hơn 200 triệu đồng.

 Năm 2019, chị Nhung đã  mạnh dạn  đầu tư 600 triệu đồng để thực hiện mô hình ươm giống cây tam thất với  diện tích 0,7 ha,  theo chị Nhung, việc  tự ươm giống cây tam thất, không những chủ động được nguồn giống cho gia đình, mà cây giống có chất lượng tốt hơn, vì không bị giập nát  như khi vận chuyển cây giống từ nơi khác về, giảm giá thành đầu tư ban đầu, đồng thời chị còn thu được một khoản tiền không nhỏ từ việc cung cấp cây giống tam thất cho nhân dân quanh vùng.

Cuối tháng 10 vừa qua, vườn tam thất của gia đình chị đã thu hoạch được 80 kg nụ hoa, với giá bán trên thị trường là 500.000 đồng/kg, cũng giúp chị giảm được khá nhiều chi phí đầu tư cho việc thuê người chăm sóc vườn tam thất. Ước tính 02 năm nữa, diện tích tam thất này sẽ cho gia đình chị Vũ Thị Nhung nguồn thu hàng tỷ đồng.

Đây là gia đình ông Hoàng Seo Phủ, ở thôn Lao Chải, xã Quan Thần Sán, trước đây gia đình ông thuộc diện nghèo nhất thôn, nhưng chỉ sau 4 năm  trồng cây ăn quả ôn đới năm 2018, gia đình ông đã thoát nghèo. Giờ đây cuộc sống đã vào hàng khá giàu của thôn, chia sẻ với chúng tôi ông hồ hởi cho biết: “Truớc năm 2014, cả thôn chúng tôi chỉ có một hộ trồng cây ăn quả ôn đới, vì ai cũng sợ cây ra được quả không bán được. Tuy nhiên, qua các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi do tỉnh và huyện tổ chức, các hộ dân chúng tôi giờ đã tự tin để làm công việc này. Đặc biệt, từ khi Đảng và Nhà nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đường xá đi lại thuận tiện,  nên việc tiêu thụ nông sản đã trở nên dễ dàng, mang lại lợi nhận cao cho người dân chúng tôi”.

Đến thăm mô hình nuôi gà đen của anh Sùng Seo Lao, ở thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui,  anh cho biết: đây là giống gà bản địa có giá trị kinh tế cao, Tháng 8/2019, anh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cấp cho anh 100 con gà đen giống thuần, đến nay  đang phát triển rất tốt, con nào con ấy khỏe mạnh, mấy  hôm nữa bán đi cũng đủ cho cả gia đình có một cái tết to.

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai cho biết: Vài năm trở lại đây, khi mô hình chăn nuôi gà đen được ứng dụng đã góp phần tích cực giúp bà con phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã có trên 60 hộ dân tham gia nuôi giống gà này. Theo ông Toán, nuôi gà đen rất dễ, ở Lùng Sui hầu như nhà nào cũng có vườn cây ăn quả, chỉ cần rào quây lại cho gà “ăn dưới đất, ngủ trên cây”, như thế gà sẵn có không gian rộng rãi để sống giúp thịt thêm săn chắc, phân gà thải ra lại bón trực tiếp cho cây thêm tốt. Chưa kể, ở Lùng Sui, nhiều hộ gia đình lực lượng lao động chính đi làm thuê xa nhà, nên chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ, “lấy ngắn nuôi dài” từ nuôi gà đen với những hộ neo người là hết sức khả thi. Cùng với đó, sẵn thóc, ngô cứ tung ra cho ăn là chúng lớn, trong khi thịt gà đen ngoài thị trường luôn cho giá cao.

Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, mỗi năm căn cứ vào tình hình thực tế, bằng nguồn vốn nghị quyết 22 của tỉnh ủy,  và các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, Phòng nông nghiệp đã tham mưu cho huyện có cơ chế, chính sách thích hợp để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi,  Sau  nhiều năm triển khai xây dựng nông thôn mới với định hướng của huyện, người dân đã chủ động trong việc tiếp nhận và áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tích cực đưa giống mới vào sản xuất. Tổng sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn huyện năm 2019 đạt trên 26.000 tấn, tăng 5.000 tấn so với năm 2015, là minh chứng cụ thể. Qua đó, góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân trên 0,6% mỗi năm, ước hết năm 2019, toàn huyện Si Ma Cai còn 16 % hộ nghèo.

Có thể nói rằng, sau gân 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, người nông dân huyện Si Ma Cai không chỉ thay đổi tư duy, nhận thức và cách làm kinh tế, mà quan trọng hơn thế, nông dân ở các thôn, của 13 xã trên địa bàn huyện đã mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế. Họ luôn chủ động tham gia vào việc bàn bạc, thống nhất lựa chọn các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, để trực tiếp cùng triển khai thực hiện hoặc giám sát thực hiện. Hàng nghìn mét vuông đất thổ cư và đất canh canh tác nông nghiệp đã được nguời dân chủ động hiến tặng để thực hiện các công trình xây dựng điện, đường, trường, trạm, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động vào việc thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới những năm qua.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tiếp theo, huyên Si Ma Cai đề ra chủ trương: Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, đẩy mạnh bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường củng cố vững chắc Quốc phòng – An ninh. Những người nông dân mang tư duy mới đã và đang tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, cùng nắm tay nhau để đưa huyện Si Ma Cai ngày càng phát triển bền vững sánh vai với các huyện bạn trong tỉnh./.

Đình Nam - Tiến Sỹ.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1