Năm 2017, huyện Si Ma Cai: giảm được 9,6% số hộ nghèo

Trong năm 2017, huyện  Si Ma Cai giảm được 9,6% hộ nghèo, với 803 hộ thoát nghèo. Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của huyện Si Ma Cai. Những hộ giảm nghèo đợt này  là những hộ thực sự khó khăn về tư liệu sản xuất, lao động, thậm chí là những hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc gặp rủi ro bất ngờ… Chính vì vậy, việc Si Ma Cai giảm được 9,6% hộ nghèo là kết quả rất đáng trân trọng, thể hiện những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là của người dân nơi đây.

Xã Cán Cấu, là một xã có tỷ lệ giảm hộ nghèo cao nhất huyện Si Ma Cai 2017, với 18,59% số hộ nghèo, người dân đã chủ động hơn trong việc phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Đây là một sự chuyển biến mang tính quyết định. “Đã giảm hẳn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm vào đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con. Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, người dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có việc trồng cây đương quy”

Được biết, việc bình xét hộ thoát nghèo được tiến hành chặt chẽ ngay từ các khu dân cư. Danh sách những hộ thoát nghèo được tổng hợp và niêm yết công khai, sau đó tổ chức họp dân lấy ý kiến đối với từng hộ trong danh sách. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Si Ma Cai cho rằng, việc làm này còn đem đến hiệu quả khác, là tạo ra được cuộc “đấu tranh nội bộ” trong cộng đồng dân cư, bà con tự phê bình, nhắc nhở những hộ còn có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, để cùng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, qua đó quyết tâm phấn đấu thoát nghèo.

Hết năm 2017, Si Ma Cai còn 32,6% hộ nghèo, giảm 9,6% so với cuối năm 2016. Những xã có tỷ lệ giảm nghèo cao là Cán Cấu với 18,59%, Bản Mế giảm 14,68%. Si Ma Cai giảm 11,46%, xã giảm thấp nhất là Thào Chư Phìn cũng đạt 6,72%. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, kết quả đó là tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân là các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước như Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy, tiếp tục phát huy tác dụng; các chính sách đầu tư khác bằng hình thức hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, phân bón… cho người dân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ với việc phát triển trồng cây dược liệu như: cây đương quy, sa nhân…. “Đặc biệt, hiệu quả kinh tế do trồng cây ăn quả ôn đới và trồng rau trái vụ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cả trước mắt cũng như lâu dài, có tính bền vững cao và được xem là hai mũi đột phá khiến tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt cao trong năm 2017”.

 Nói về việc trồng rau trái vụ, ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Người dân Si Ma Cai chưa có thói quen này. Từ năm 2016, huyện xây dựng một số mô hình trồng rau trái vụ với tổng diện tích khoảng 10 ha và nhận thấy kết quả rất tốt. Bước vào năm 2017, huyện chủ trương trồng rau trái vụ tập trung ở những xã có điều kiện, như Nàn Sín, Sín Chéng, Nàn Sán, Mản Thẩn, Cán Hồ, Sán Chải. Kết quả là diện tích rau trái vụ được nâng lên hơn 21 ha, chủ yếu là su hào và bắp cải, cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/ha, cao gấp 7 - 8 lần so với trồng ngô. Từ thành công đó, năm 2018, huyện chủ trương nâng diện tích trồng rau trái vụ lên ít nhất 50 ha.

Đối với việc trồng cây ăn quả ôn đới, những loại cây chủ yếu là mận địa phương, lê Tai nung và sơn tra, năm 2017,  huyện trồng thêm gần 200 ha, tập trung ở các xã có điều kiện tự nhiên thích hợp và người dân đã có kinh nghiệm trồng những loại cây này, như Lùng Sui, Lử Thẩn, Cán Hồ, Quan Thần Sán, Mản Thẩn… theo hình thức các hộ tự sản xuất giống, tự trồng, chăm sóc với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, khi cây sinh trưởng tốt sẽ được nghiệm thu và hỗ trợ 15.000 đồng/cây. Dự kiến năm 2018, huyện mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ôn đới thêm 130 ha, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Si Ma Cai  tuy vẫn là huyện nghèo của tỉnh, là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng kết quả trong công tác giảm nghèo ở huyện Si Ma Cai năm 2017,  đã phản ánh sinh động hiệu quả từ sự đầu tư của Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm của đồng bào các dân tộc nơi đây trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo./.   

Đ.Nam     

 

 

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1