Nghị quyết 22, tạo động lực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

Đây là một nghị quyết hợp lòng dân, phát huy được tiềm năng thế mạnh của nhiều xã vùng cao, đã tạo điều kiện và tiếp thêm động lực để  nhiều hộ dân nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực hiện nghị quyết 22, từ  năm 2015, huyện Si Ma Cai đã triển khai đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc để đưa vào thực hiện thí điểm tại 2 xã là Sín Chéng và Bản Mế, với 477 con trâu và 55 con bò, tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Từ  đó đến nay, trên cơ sở những kinh nghiệm từ việc triển khai ở hai xã Sín Chéng và Bản Mế, huyện tổ chức thực hiện dự án chăn nuôi ở 11 xã còn lại. Đến nay, Nghị quyết 22 đã đem lại sự khởi sắc cho vùng đất Si Ma Cai, góp phần cùng các dự án giảm nghèo khác, đưa tỷ lệ giảm nghèo bình quân của huyện đạt trên  10% mỗi năm.

Xã Bản Mế đến nay vẫn là xã được coi là thành công nhất trong việc đưa. Nghị quyết 22 vào cuộc sống của người dân. Kể từ khi triển khai nghị quyết cho đến nay, nhân dân xã Bản Mế đã làm được 297 hố ủ phân, 281 chuồng nuôi nhốt gia súc, trồng mới được trên 98 ha cỏ VA06. 93 hộ dân trong xã tham gia thực hiện dự án ngân hàng bò với 191 con bò sinh sản. Số bò này đã phát triển thêm được 106 con. Ngoài ra, đến nay đã có 60 hộ dân cũng được nhận bò giống để chuyển giao sang pha 2 và pha 3. Đây là việc tưởng như khá dễ dàng bởi đều là những việc vốn quen với người nông dân. Nhưng để làm thay đổi cách nghĩ, cách làm đã có từ bao đời nay, như thói quen thả rông gia súc, không cần làm chuồng trại kiên cố,  không có thói quen dự trữ thức ăn trong mùa đông thực sự không phải là việc dễ dàng.

Gia đình anh Lùng Lìn Phòng, thôn Bản Mế, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai đón năm mới với  niềm vui ngập tràn, vốn là một trong những hộ  nghèo của xã, nhờ đăng ký thực hiện nghị quyết 22,  với một cặp bò giống ban đầu được cấp theo nghị quyết 22,  đến nay anh đã phát triển đàn gia súc theo hình thức nuôi nhốt này lên đến 15 con bò. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, khi bán đi cũng cho gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng đây là số tiền dù có nằm mơ cũng không bao giờ  gia đình anh nghĩ đến.

Giống như gia đình anh phòng, gia đình chị Vàng Thị Xa, thôn Bản Mế, xã Bản Mế, không giấu nổi niềm vui trước thềm năm mới chị cho biết: Từ khi được chính quyền địa phương lựa chọn tham gia mô hình nuôi bò nhốt theo nghị quyết 22 của tỉnh ủy Lào Cai. Sau 2 năm bò sinh sản gia đình tôi đã chuyển pha 2 cho hộ gia đình khác nuôi, sau khi chuyển pha, bò nhà tôi đã đẻ thêm được 3 con bê. Nhận thấy nuôi bò nhốt rất có hiệu quả nên gia đình tôi đã vay thêm vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng cùng với số vốn gia đình hiện có để mở rộng thêm chuồng trại, mua thêm bò giống, hiện tại gia đình chị cũng đã có 15 con bò sinh sản.

Thực hiện đề án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện Si Ma Cai đã có nhiều giải pháp triển khai có hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng địa bàn, tận dụng tối đa những thế mạnh về đất đai và nguồn lao động. Đây là  một nghị quyết  rất hợp với tâm tư của người dân, và phù hợp với nhiều xã trên địa bàn huyện, nên đã nhận được sự hưởng ứng tích của bà con.

Để việc chuyển giao bò giống cho các thế hệ kế tiếp, được triển khai nghiêm túc theo đúng quy trình. Trước khi những hộ được nhận chuyển giao bò giống, chính quyền đều cử cán bộ đến từng hộ gia đình, rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn về chuồng trại, hố ủ phân, diện tích cỏ, số lao động. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông xã còn thường xuyên xuống trực tiếp từng hộ này để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống rét, cách ủ chua, dự trữ thức ăn cho trâu bò trong mùa đông.

Thấy được hiệu quả mà nghị quyết 22 đem lại, thay vì phải đi tìm việc làm thuê như trước, gia đình chị Ngô Thị Vẽ, thôn Sín Chải xã  Bản Mế đã  đăng ký tham gia dự án ngân hàng bò của xã, Đầu tư  xây dựng chuồng trại kiên cố, chuyển một phần những diện tích nương ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ VA 06 để phát triển chăn nuôi. Nhờ ứng dụng những kỹ thuật đã được tập huấn, tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc, phòng trừ bệnh nên đàn bò của gia đình chị lớn rất nhanh và không bị dịch bệnh. Chỉ sau 4 năm gia đình chị đã được sở hữu 2 con bò sinh sản và 1 con bê. Cuộc sống hiện tại của gia đình chị đã ổn định hơn trước rất nhiều.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết 22, đã góp phần cùng các dự án giảm nghèo của huyện giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm trên 10% mỗi năm.  Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 57%, đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn trên 16 %. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân đạt 20%/năm.  

Có thể khẳng định, Nghị quyết 22 của tỉnh ủy Lào Cai đi vào cuộc sống của người dân Si Ma Cai. Là cứu cánh, là động lực giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo. Người dân đã từng bước tiếp cận và biết ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và chăn nuôi. Những kết quả tích cực mà nghị quyết 22 đem lại sẽ là tiền đề, động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện Si Ma Cai ngày càng phát triển. Người dân huyện Si Ma Cai đã và đang nỗ lực tận dụng những lợi thế sẵn có, phát huy hiệu quả những nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng nhau đoàn kết để phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, quyết tâm vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

Đình Nam - Tiến Sỹ.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1