Nỗ lực giảm nghèo ở huyện vùng cao Si Ma Cai

Mặc dù huyện còn gặp nhiều khó khăn, song cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Si Ma Cai đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo ở cơ sở. Quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với việc phát triển kinh tế theo vùng sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương. Trên cơ sở 4 chương trình và 12 đề án trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, cùng với các nguồn lực của Trung ương, Chương trình MTQG Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, chương trình 30a, 135,... và Nghị quyết số 22, Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế xã hội của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lào cai về giảm nghèo bền vững đến năm 2020 giành riêng cho huyện Si Ma Cai, đã tập trung nguồn lực cho huyện thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong đó có mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khai thác được nhiều mặt lợi thế của của từng địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Xác định quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi phù hợp với từng địa bàn xã theo hướng tập trung sản xuất cây lương thực thực phẩm: Lúa, ngô, đậu tương và rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới Mận tả van, Lê tai nung, cây dược liệu: Tam thất, Sa nhân tím,… và khuyến khích chăn nuôi đại gia súc, trên cơ sở duy trì và mở rộng diện tích các loại cây trồng và vật nuôi một cách hợp lý, tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện, gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, huyện đã giành sự ưu tiên gần 70% nguồn lực đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho Nông nghiệp, nông thôn để giảm nghèo. Từ đó đã làm cho bộ mặt nông thôn của huyện tiếp tục có nhiều đổi mới, tiến bộ và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Cơ cấu các ngành kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, tích cực và hiệu quả. Nông nghiệp nông thôn từng bước phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, các ngành nghề dịch vụ có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và dịch vụ xã hội phát triển, nhất là ở vùng nông thôn, hệ thống đường giao thông tới trung tâm xã và liên thôn được bê tông hóa; điện lưới, phát thanh, truyền hình mở rộng diện bao phủ, trạm y tế, trường lớp học được đầu tư nâng cấp khang trang và kiên cố hóa. Các điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, hưởng thụ văn hóa và hệ thống dịch vụ xã hội của người dân được nâng lên. Đó là những yếu tố quan trọng, có tính quyết định để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhìn chung, các chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao; sự đồng thuận, nhất trí của người dân, qua đó tạo nên sức lan tỏa trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 57% năm 2015,  xuống còn 12,35 %, năm 2020,  giảm bình quan  trên 10%/năm. 100% hộ nghèo và người  dân tộc thiểu số được mua  bảo hiểm y tế, 100% học sinh nghèo là dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc diện nghèo được miễn toàn bộ học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường lớp, được hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dung học tập, 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn được tiếp cận vay vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh. Hết năm 2020, huyện Si Ma Cai đã có 4/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được kết quả trên, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo như: Chính sách ưu đãi cho vay hộ nghèo; chính sách khuyến nông và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, hỗ trợ y tế, hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo; xây dựng các mô hình xoá đói giảm nghèo; hỗ trợ dạy nghề,... giúp nhân dân thoát nghèo nhanh và từng bước bền vũng.

Trong thời gian tới, huyện Si Ma Cai quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là quan tâm đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Theo đó, huyện sẽ tập trung phát triển sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ; từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao dân trí; bảo vệ tốt môi trường sinh thái. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 - 40 triệu đồng/người/năm", từng bước đưa huyện Si Ma Cai trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai./.

Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện

 

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1