Phát huy các nguồn lực giúp dân thoát nghèo

Si Ma Cai vốn dĩ có rất nhiều khó khăn, yếu tố ‘thiên thời, địa lợi’ gần như không có trong khái niệm, tư duy phát triển của huyện. Khí hậu khắc nghiệt, đất ngồi trên đá với nguồn nước khan hiếm. Địa thế bị chia cắt mạnh do đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi. Cộng hưởng thêm những ‘bất an’ do biến đổi khí hậu cho nên cấp ủy, chính quyền nơi đây luôn suy nghĩ ‘trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng’ bảo vệ mùa màng cho bà con. Si Ma Cai cũng là huyện vùng cao, xa xôi nhất khi cách trung tâm tỉnh lỵ đến gần 100 km. Đường đi, lối lại còn gặp nhiều khó khăn. Thành phần dân tộc thiểu số chiếm đến 95% số dân toàn huyện. Điều đó cũng tác động không nhỏ đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Cho đến nay, Si Ma Cai vẫn là một trong những huyện thuộc nhóm khó khăn nhất của cả nước.

          Còn đó nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, Si Ma Cai luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh với những chủ trương, chính sách đúng đắn. Huyện đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương như chương trình 30a, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới… những chương trình này là động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Trong khi đó, vào ngày 11/11/2014, Tỉnh ủy Lào Cai ra Nghị quyết số 22 về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, trong đó đưa ra giải pháp trọng tâm để nâng cao thu nhập cho người dân là tập trung vào chăn nuôi gia súc nhằm làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi là chủ yếu để nâng cao thu nhập của người dân. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất tăng thêm khoảng 760 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, huyện còn nhận được nhiều sự hỗ trợ các nguồn lực khác cho thấy sự quan tâm dành riêng cho huyện Si Ma Cai và đó là yêu cầu đặt ra để cấp ủy, chính quyền huyện Si Ma Cai có những giải pháp sử dụng nguồn lực có hiệu quả để triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhằm cụ thể hóa sự quan tâm và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực dành cho, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xây dựng các đề án, chương trình cụ thể xác định các mục tiêu phát triển gắn với các nguồn lực hỗ trợ. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Si Ma Cai đã có lộ trình xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tập trung các nguồn lực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững; chuyển hình thức tự cung tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, tuyên truyền đến chính quyền và nhân dân trong huyện về chính sách, đối tượng thụ hưởng, quyền lợi khi tham gia chương trình để các đối tượng nắm bắt được thông tin, yêu cầu.

Huyện xác định nguồn lực địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng, làm đòn bẩy tài chính trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại địa phương, nguồn vốn ủy thác địa phương từ tỉnh đến huyện chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội mỗi năm đều tăng và thực hiện cấp vốn ngay từ đầu năm.  Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Si Ma Cai cũng thống nhất dành và bố trí chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng cho vay đồng bào dân tộc thiểu số. Lũy kế nguồn vốn ngân sách huyện chuyển qua 5 năm qua đạt gần 28 tỷ đồng để tăng cường cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện đã góp phần tạo nên bước chuyển lớn trong giảm nghèo bền vững tại huyện nghèo Si Ma Cai. Dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương đạt gần 22,5 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ toàn huyện tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay lên 211 tỷ đồng, (tăng 88,7 tỷ đồng so với cuối năm 2014). Đặc biệt tổng doanh số cho vay lũy kế 5 năm là trên 320 tỷ đồng, với 8.373 lượt khách hàng được vay vốn. Nghị quyết số 22, ngày 11/11/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững tại huyện Si Ma Cai đến năm 2020 đã được huyện vận dụng linh hoạt từ chính sách cho không, nay chuyển sang cho vay thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội cấp bù lãi suất đã cổ vũ một phương thức sản xuất bổ sung để người dân có điều kiện cải thiện đời sống, đó là chăn nuôi gia súc tập trung.

Với vai trò ‘cầm trịch’ nguồn tài chính, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao. Phòng đã thực hiện tốt công tác tham mưu, quản lý tài chính. đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, xây dựng chương trình công tác từng năm; xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện như tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành linh hoạt thu, chi ngân sách nhà nước gắn với “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về thu, chi ngân sách địa phương. Phòng đã phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện tốt các biện pháp để bảo đảm sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Tham mưu trong việc tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung vốn cho chi đầu tư phát triển; tăng cường kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc bổ sung kinh phí để mua sắm tài sản, phương tiện làm việc không thật sự cần thiết; đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư với chi thường xuyên theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ. Việc huy động, sử dụng tốt các nguồn lực đã được chứng minh trong kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Từ những quyết sách đúng đắn, Si Ma Cai đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa phát triển ổn định cho thu nhập cao như: chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng cây dược liệu, sản lượng lương thực ngày càng gia tăng. Thu nhập bình quân đã đạt 31,5 triệu đồng/người/năm (vượt 157% mục tiêu nghị quyết) và tỷ lệ hộ nghèo chiếm 57 % dân số đầu nhiệm kỳ nay chỉ còn 12,35%. Sản lượng nông nghiệp đạt đạt 26.500 tấn (mỗi năm tăng hơn 1.000 tấn), đàn gia súc có tổng số hơn 22.300 con, tăng gần gấp đôi so với năm 2015.

Kinh tế - xã hội và đời sống của người dân Si Ma Cai ngày càng thay đổi nhờ những chính sách và quyết sách nguồn lực đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp. Các mục tiêu phát triển, kinh tế - xã hội đều đã đạt và vượt rất cao so với mục tiêu nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra. Điều quan trọng hơn cả trong phát triển của huyện Si Ma Cai thấy rõ việc “có lãi” đó chính là lòng dân ngày càng tin vào cấp ủy, tin vào chính quyền và tin vào nghị quyết, sẵn sàng đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp để đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống. Đơn cử như Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Huyện ủy Si Ma Cai về phát triển vùng cây ăn quả ôn đới vừa trúng, vừa đúng với tâm tư nguyện vọng của  người dân trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn chuyến dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển lợi thế, tiềm năng của địa phương. Từ 50 ha mận địa phương nay người dân đã trồng được diện tích hơn 695 ha đầy tiềm năng và triển vọng. Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, nhân dân cũng sẵn sàng đóng góp hàng trăm tỷ đồng bao gồm đất đai, vật liệu xây dựng và ngày công lao động cùng chung sức xây dựng nông thôn mới tạo ra diện mạo nông thôn hoàn toàn mới trên non cao, vùng cao Si Ma Cai. Tính đến nay, toàn huyện đã có 4/9  xã đã cán đích. Một huyện 30a của Chính phủ còn rất nhiều khó khăn, nhưng đến nay đã có tỷ lệ xã đã về đích xây dựng nông thôn mới gần như cao nhất tỉnh (chỉ sau  huyện Bảo Thắng).

Mỗi khi cấp ủy tuyên truyền, chính quyền vào cuộc là người dân đều ở đó, làm theo và luôn tích cực góp sức hết mức. Đây là tín hiệu vui đồng thời cũng là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Si Ma Cai tiếp tục chung tay gìn giữ và phát triển thành quả trong những năm tiếp theo. Hệ thống chính trị các cấp đang vào cuộc để cùng nhìn nhận lại thời gian đã qua đã làm và chưa làm được trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Từ thực tiễn để đưa cuộc sống vào nghị quyết, đặt ra những chỉ tiêu thách thức mới, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân.

Bùi Trung Dũng -Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch 

 

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1