Vận dụng sáng tạo nghị quyết 22 giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững

Nghị quyết 22 của BTV Tỉnh Uỷ Lào Cai, là cơ chế hỗ trợ riêng cho  huyện Si Ma Cai phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi đại gia súc. Cùng với đó là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả theo quy hoạch, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh…

Để đạt mục tiêu này, Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, có phân kỳ từng năm. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã bắt tay thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Đề án Phát triển chăn nuôi đại gia súc được xây dựng với quy mô gần 3.000 hộ tham gia. Là bước đi đầu tiên để nghị quyết 22 đi vào cuộc sống. mọi người dân có đủ điều kiện theo quy định, đều được đăng ký tham gia. Sau khi đăng ký nuôi trâu, bò với thôn. Xã sẽ cử cán bộ đến từng hộ nông dân để kiểm tra thực tế về diện tích đất trồng cỏ, đất quy hoạch làm chuồng nuôi, số lao động phục vụ cho chăn nuôi. Từ đó có kế hoạch để  giải ngân vốn vay cho các hộ này. Nếu các hộ dân có kế hoạch, phương án tốt, mỗi hộ gia đình có thể vay đến 100 triệu đồng không cần thế chấp để phát triển chăn nuôi trâu, bò và được tỉnh hỗ trợ 100% lãi xuất. Đây là sự hỗ trợ lớn, tạo cơ hội cho người dân làm giàu. Bà con rất mừng vì được vay vốn ưu đãi của nhà nước, tận dụng được đất đai, nhân lực sẵn có  của gia đình,  để phát triển chăn nuôi.

Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng đàn trâu, bò của huyện Si Ma Cai trung bình chỉ khoảng 4%/năm, trong khi cả giai đoạn 2015 - 2020 phải tăng thêm 10.000 con, tức là gấp khoảng 5 lần so với tăng tự nhiên, nên huyện xác định chủ yếu là tăng cơ học. Cũng vì vậy mà vấn đề nguồn cung cấp giống,  phòng tránh dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn… đã được huyện triển khai đồng bộ. Huyện đã mở nhiều lớp tập huấn chăn nuôi ngắn hạn cho các hộ dân. Tăng cường công tác  kiểm tra,phòng chống dịch bệnh thú y, vận động nhân dân làm chuồng nuôi nhốt gia súc, mở rộng diện tích trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc,  đưa một số mô hình xử lý chất thải chăn nuôi vào thử nghiệm, vừa tận dụng chất thải làm phân vi sinh, vừa giảm tình trạng ô nhiễm môi trường khi tăng lượng gia súc

Đến với xã Bản Mế, một xã được đánh giá là xã phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 22 mạnh nhất. Ông Ngô Tiến Sơn,  Chủ tịch UBND xã Bản Mế cho biết: Trước năm 2015 toàn xã chỉ có khoảng 600 con trâu và hơn 100 con bò. Sau khi triển khai Nghị quyết 22, đến nay xã đã có trên 1.000 con trâu và khoảng 600 con bò.

Dọc trên con đường dẫn vào thôn Sín Chải, xã Bản Mế, người dân đều tận dụng tất cả những  khoảng đất mà trước đây bỏ hoang để trồng cỏ voi.  Chuồng trại cũng được xây dựng kiên cố, đạt tiêu chuẩn nền cững, mái che và hố ủ phân. Đến thăm hộ gia đình anh Lùng Văn Nam tôi vô cùng bất ngờ về quy mô  chăn nuôi trâu của gia đình. Chuồng trại được xây dựng có mái che, tường bao chắc chắn, sạch sẽ với đàn trâu gần chục con béo núc đến kỳ xuất bán và dăm con nghé. Anh  Lùng Văn Nam chia sẻ, nếu xuất bán đàn trâu thời điểm hiện tại có thể thu gần 300 triệu đồng, tuy nhiên anh chưa bán vì giá trâu đang thấp. Anh cho biết thêm, năm 2016, anh đã vay trên 100 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ cho vay chăn nuôi thực hiện theo Nghị quyết 22, từ 4 con trâu ban đầu đến nay anh đã có cả đàn trâu như thế này

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22, có thể thấy những thay đổi tích cực mà nghị quyết 22 đem lại cho huyện Si Ma Cai. Cùng với những đổi thay trong phát triển y tế, giáo dục, văn hóa theo mục tiêu Nghị quyết đặt ra. Lĩnh vực chăn nuôi, chính là lĩnh vực then chốt có tính quyết định trong xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 22, huyện Si Ma Cai mỗi năm đã giảm nghèo được hơn 10% số hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt, năm 2017 đạt trên 20 triệu đồng/người, tăng hơn gấp 2 lần so năm 2014, là  9,6 triệu đồng/người. Con số này đạt được chủ yếu từ việc người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò. Quan trọng hơn, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, người dân đã có ý thức về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển những cây có thế mạnh, đặc biệt lĩnh vực chăn nuôi đã mang tính sản xuất hàng hóa, từng bước chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt, thả có kiểm soát, chuồng trại, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho gia súc.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 22, đời sống đồng bào các dân tộc ở Si Ma Cai đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trồng trọt sang chăn nuôi là đúng hướng, phát huy thế mạnh địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để giúp bà con chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa thì câu chuyện thị trường cần được tính đến và có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.

Có thể nói từ việc vận dụng sáng tạo nghị quyết 22 của BTV Tỉnh Uỷ Lào Cai, đã giúp cho nhiều hộ dân huyện Si Ma Cai thoát nghèo bền vững./.

Đ. Nam


Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1