Huyện Si Ma Cai chú trọng phát triển văn hóa - xã hội

         Sau thành công rực rỡ của Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Si Ma Cai lần thứ XVII, Đảng bộ , chính quyền huyện đã chỉ đạo các cơ quan trong khối Văn hóa – Xã hội tập trung tham mưu xây dựng và ban hành các chương trình, Đề án phát triển văn hóa – xã hội trong giai đoạn 2015 - 2020 để triển khai thực hiện; đồng thời thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo kịp thời, hàng năm sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nhờ vậy trong 5 năm qua lĩnh vực văn hóa – xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và ngày càng đi vào chiều sâu. Đến cuối năm 2019 toàn huyện có 80,8% số hộ đạt gia đình văn hóa, tăng 13,7 % so với năm 2015, có 95% cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa tăng 18,5% so với năm 2015. Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư, hiện nay 10/10 xã, thị trấn có nhà văn hóa đa năng trong đó có 02 nhà văn hóa đang trong quá trình hoàn thiện; có 08 khu thể thao xã, 59/59 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa thôn. 01 thư viện huyện và 44 tủ sách xã, thị trấn thường xuyên mở cửa phục vụ các độc giả tới nghiên cứu và học tập, bình quân phát hành được  một trăm thẻ trên năm, số sách được bổ sung bình quân 380 bản/năm.

          Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp đến nay trên địa bàn huyện có 30 câu lạc bộ thể dục thể thao, trong đó có 10 câu lạc bộ thể thao xã như: Cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, tennit, các môn thể thao dân tộc như: đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, đu quay, ném còn; mỗi xã, thị trấn một đội văn nghệ để sưu tầm, bảo tồn, khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc Mông, Nùng, Thu Lao trên địa bàn huyện.  Năm 2017 tổ chức thành công Đại hội TDTT huyện Si Ma Cai  lần thứ IV được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen; 02 năm liền đạt giải nhất Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà.

Hoạt động thể dục, thể thao tại các cơ quan, đơn vị, các xã luôn bám sát kế hoạch hàng năm, trung bình tổ chức 05 giải cấp huyện trên năm, 02 giải/xã/năm và tham gia các giải được tổ chức tại tỉnh đều đạt nhiều thành tích cao. Tỷ lệ người dân tham gia luyện tập TDTT đạt 24% với 8.913  lượt người tham gia, tăng 04% so với 2015.  Công tác truyền thanh, truyền hình, thông tin lưu động có nhiều đổi mới  về nội dung phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong nhiệm  kỳ  đã tổ chức tuyên truyền lưu động được 522/460 buổi đạt 113,4%. Chiếu bóng lưu động 250/ 250 buổi đạt 100%, xây dựng và phát sóng được 1.920 chương trình truyền thanh, truyền hình địa phương, trong đó có 960 chương trình truyền thanh, truyền hình tiếng Mông, với tổng số  trên 10.000 tin bài, tăng 35 chương trình so với kế hoạch. Phối hợp với đài tỉnh xây dựng và phát sóng 30 trang truyền hình địa phương, 30 trang phát thanh địa phương, tham gia giải liên hoan PTTH tỉnh, giải búa liềm vàng tỉnh  đạt  nhiều giải cao. Công tác quản lý khai thác máy tại các trạm được duy trì,  giờ phát sóng tại các trạm được thực hiện theo đúng kế hoạch. Đến nay toàn huyện có 13 trạm thu phát lại truyền thanh cấp xã, 04 trạm Phát thanh, truyền hình cấp huyện. 59/59 thôn, tổ dân phố có cụm loa phát thanh và được phủ sóng FM, sóng truyền hình. Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Say sán, lễ hội xuống đồng, lễ hội cúng rừng được duy trì tổ chức hàng năm góp phần phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa  các dân tộc trên địa bàn.

Hoạt động du lịch từng bước được quan tâm, công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Si Ma Cai qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lễ hội truyền thống, chợ văn hóa, các dịch vụ và sản phẩm du lịch được chú trọng. Hàng năm, thu hút trên 50.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mạng lưới trường, lớp học được quy hoạch theo hướng tập trung, giảm từ 50 xuống còn 45 đơn vị trường. Chất lượng Phổ cập giáo dục - Xóa mù chữ được duy trì bền vững và nâng cao. Hoạt động bán trú được đẩy mạnh và xác định đây là yếu tố quyết định về duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo được quan tâm, tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành đạt 51,7%. Cơ sở vật chất như phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà bán trú, nhà bếp ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh cho học sinh được quan tâm đầu tư đồng bộ; đến nay các đơn vị trường cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc gia, có 25 đơn vị trường từ mầm non đến THCS đạt chuẩn Quốc gia. Tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện và thi trung học phổ thông quốc gia đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế. Tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và đi học nghề hàng năm đạt trên 78%. Chất lượng giáo dục các cấp học không ngừng được nâng lên, công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có nhiều chuyển biến. Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, đẩy mạnh. Lao động thuộc các đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số được ưu tiên. Số lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đạt 37%, tăng 14% so với 2015.

Công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố vững chắc, số lần khám chữa bệnh đạt 2,72 lần/người/năm; chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; tỷ lệ chuyển tuyến thấp. Dịch bệnh và an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 96,3%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm dần còn 1,33%. Đến nay 100% người dân được tham gia BHYT, 10/10 xã, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ giảm nghèo từ 57,01% năm 2015 xuống còn 12,35% năm 2020, trung bình mỗi năm giảm 8,93%. Công tác lao động giải quyết việc làm được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo việc làm mới cho hơn 3.220 lao động nông thôn, bình quân 644 lao động/năm. Các chế độ chính sách, an sinh xã hội đặc biệt là các chính sách dành cho người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được triển khai đồng bộ; các mô hình tự quản về an ninh trật tự hoạt động có hiệu quả. Hàng năm huyện đều tổ chức thăm và động viên các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn huyện, tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, huyện và của các tổ chức chính trị xã hội với hàng ngàn suất quà trị giá gần 10 tỷ đồng. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cấp thẻ BHYT cho các đối tượng xã hội được triển khai thực hiện tốt.

Có thể khẳng định trong nhiệm kỳ 2015-2020 công tác văn hóa xã hội trên địa bàn huyện  đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của huyện,  tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định đó là một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ pháp luật của nhà nước dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba, tảo hôn, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra.

Trong nhiệm kỳ tới để lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển huyện sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp đó là:

Tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp theo hướng tinh gọn, có hiệu quả. Tập trung củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ hóa. Xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường trọng điểm về chất lượng. Tiếp tục nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động bán trú để thu hút học sinh đến trường. Đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục; khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chất lượng giáo dục đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, gắn với giải quyết việc làm theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tiếp tục Xây dựng, phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, đẩy mạnh phòng trào toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa thông tin của Nhân dân.

 Đẩy mạnh triển khai đồng bộ các chính sách, biện pháp trợ giúp phát triển kinh tế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người nghèo, người cận nghèo. Quan tâm mở các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động tại chỗ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh hoạt động của các mô hình tự quản, các biện pháp đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, phát huy vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh, thiếu niên về tác hại của ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, điều trị bệnh; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng các nhu cầu của Nhân dân. Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, phát triển y học cổ truyền và ngành dược liệu. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và y đức theo quy định của Bộ Y tế cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Tiếp tục thu hút bác sỹ về công tác tại Si Ma Cai. Đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế; phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân.

Với truyền thống đoàn kết của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, lĩnh vực văn hoá - xã hội của huyện sẽ ngày càng khởi sắc, quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững, xứng đáng với truyền thống văn hoá, lịch sử vẻ vang của một vùng quê cách mạng./.

Giàng Sín Chớ - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện

 

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1