Huyện Si Ma Cai, Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

 Năm học 2019-2020 là năm học tổng kết các mục tiêu quan trọng theo Nghị quyết số 09, ngày 10/8/2015, nghị quyết Đại hội đại biểu huyện Si Ma Cai lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Sở GD&ĐT; sự đồng thuận cao của cấp ủy chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, ngành GD&ĐT đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm của năm học với nhiều kết quả quan trọng:

Trên cơ sở Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2030. Quy mô mạng lưới trường lớp phù hợp bảo đảm nhu cầu học tập của nhân dân. Năm học 2019-2020, toàn huyện có 44 đơn vị trường và 1 TTGDNN&GDTX, xóa 6 điểm lẻ và không còn học sinh lớp 4,5 học tại điểm trường lẻ với mục tiêu quy hoạch, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Công tác tuyển sinh học sinh các lớp đầu cấp đều đạt 100% trẻ trong độ tuổi ra lớp: Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 29%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Tỷ lệ trẻ 6-14 tuổi ra lớp 99 %, trong đó trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có sự chuyển biến và bứt phá, năm học 2018-2019 có 312 học sinh đạt giải các môn văn hóa và chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh, tăng 167 giải so với năm học 2015-2016. Đặc biệt với sự chỉ đạo sát sao của Phòng GD&ĐT, sự hướng dẫn nhiệt tình, sáng tạo của các thầy cô giáo và sự tham gia tích cực trong việc học tập của học sinh, trong 2 năm liên tục huyện Si Ma Cai đều đạt được giải Nhất và Nhì cấp quốc gia trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên Nhi đồng toàn quốc lần thứ 14 và 15 tại Hà Nội. Chất lượng học sinh hoàn thành chương trình THCS được xét công nhận tốt nghiệp đạt từ 99 % trở lên; tỷ lệ học sinh chuyển lớp cấp học Tiểu học và THCS đạt 99 %. Số học sinh đăng kí học nghề, học tiếp lên THPT đạt 78 %. Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi TN THCS đạt 90 %. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm học đạt trung bình 93% .

Xác định công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ then chốt quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, hàng năm tổ chức thực hiện tốt việc bồi dưỡng đội ngũ: cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn; học nâng chuẩn tại các trường sư phạm. Đồng thời tổ chức các buổi tập huấn trong hè cho CBQL, GV về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và hiểu biết xã hội tiếp tục được tăng cường. Chính vì vậy tỷ lệ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn đạt 100%, trên chuẩn đạt 75%, cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị 67%, tỷ lệ đảng viên toàn ngành đạt 53%.

Các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất phòng học, phòng ở bán trú, công vụ giáo viên và các công trình phụ trợ cho các đơn vị trường học đảm bảo kiên cố. Hiện 44/44 trường có cơ sở vật chất trường lớp khang trang cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học, phòng ở bán trú, nhà công vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo viên và học sinh tại trường.

Công tác xây dựng trường lớp đảm bảo an toàn, Sạch – xanh - đẹp và thân thiện được quan tâm, chú trọng và thực hiện hiệu quả tại hầu hết các đơn vị trường, đặc biệt tại các điểm trường lẻ. Mô hình trường học gắn với thực tiễn mang “Thương hiệu riêng” được các đơn vị trường quan tâm, chú trọng. Một số trường thực hiện tốt như như mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng thân thiện vì trẻ em; trường học sinh thái, trường học nông trại. Các mô hình đã tạo cơ hội cho HS được vận dụng, thực hành và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế hiệu quả, gắn với thực tiễn tại địa phương.

Hệ thống trường PTDT Bán trú và trường có học sinh tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động với 29/30 trường phổ thông có học sinh  bán trú. Công tác quản lý học tập, ăn ở và sinh hoạt của học sinh bán trú được tăng cường, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho học sinh, đặc biệt việc giữ ấm cho học sinh trong những ngày mưa rét. Các trường bán trú đã tổ chức trải thảm tại các phòng bán trú đảm bảo ấm áp và sạch sẽ cho học sinh về mùa đông

Công tác phổ cập giáo dục -xóa mù chữ được duy trì vững chắc ở 13/13 xã. Từ năm 2015 đến nay tại 13/13 TTHTCĐ xã tổ chức mở được 50 lớp xóa mù chữ với 1.085 học viên. Hiện nay số người mù chữ từ 15-50 đối với nữ chiếm 2%; người mù chữ từ 15 - 55 đối với nam chiếm 2%; huyện hoàn thành Đề án XMC giai đoạn 2015-2020. Công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, chú trọng: Tính đến hết năm học 2019-2020 toàn huyện có 25/44 trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 56%, trong đó có 01 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Từ thực tiễn giáo dục và đào tạo huyện Si Ma Cai trong nhiệm kỳ 2015-2020, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo một cách toàn diện đó là:

Chú trọng công tác tham mưu để cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ đối với giáo dục- đào tạo. Trong chỉ đạo phải có chiến lược, xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, có lộ trình phấn đấu, sâu sát với cơ sở, yêu cầu cao và thực chất; tăng cường kỷ cương nền nếp; chú trọng và thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra; đồng thời nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình hiệu quả một cách phù hợp.

Đổi mới công tác quản lý của hiệu trưởng là yếu tố tiên quyết. Hiệu trưởng phải đi đầu trong đổi mới, có nhận thức, tâm huyết, trách nhiệm với mọi hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Đội ngũ là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, nên việc thay đổi nhận thức, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức vượt khó, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết cho đội ngũ là yếu tố quyết định cho sự thành công của giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xã hội hóa giáo dục để tạo động lực trong đội ngũ, tạo sự đồng thuận của xã hội ủng hộ tinh thần và vật chất cho phát triển sự nghiệp giáo dục.

Với những kết quả trong nhiệm kỳ qua, công tác giáo dục - đào tạo không những nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh nơi vùng cao mà còn là tiền đề quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài trong giai đoạn phát triển và hội nhập để góp phần thay đổi diện mạo nơi vùng cao biên giới Si Ma Cai./.

            Lê Thị Hà - Phó Trưởng phòng GD&ĐT

 

1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1