Hội thảo Di tích Lịch sử - Văn hóa phế tích Thành cổ Lùng Thẩn (Thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai)

          Sáng ngày 28/4/2021, Bảo tàng tỉnh Lào Cai phối hợp với UBND huyện Si Ma Cai tổ chức Hội thảo Di tích Lịch sử - Văn hóa phế tích Thành cổ Lùng Thẩn. Tham dự có đồng chí Lý Seo Vảng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Lý Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai, Lãnh đạo phòng Di Sản - Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lào Cai; Lãnh đạo phòng Tài nguyên - Môi trường, phòng Văn hóa - Thông tin, Hạt Kiểm lâm, Văn phòng HĐND-UBND huyện; Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã Lùng Thẩn.

Đ/c Lý Seo Vảng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy phát biểu tại buổi Hội thảo

Đ/c Lý Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi Hội thảo

Đ/c Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai trình bày báo cáo khảo sát thành cổ Lùng Thẩn

Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu ý kiến

Mộ ông Giàng Chẩn Mìn

Cổng vào thành cổ

          Tại buổi Hội thảo đã thống nhất tên gọi di tích là: Di tích phế tích thành cổ Lùng Thẩn (thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai). Được xếp vào loại hình: Di tích lịch sử - Văn hóa.

          Khảo tả di tích:

          Phế tích thành cổ Lùng Thần là một công trình kiến trúc quân sự được xây dựng bằng đá vào khoảng giữa thế kỉ XIX. Đây là công trình quân sự khá độc đáo và cũng còn khá nguyên vẹn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Công trình được chia làm nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau (trước đây đủ 3 đơn nguyên nhưng hiện tại 1 đơn nguyên đã bị phá hủy không còn dấu tích),

          Đơn nguyên 1, thành Nam: Với tổng chiều dài là 158,59m được chia làm 2 đoạn thành bao gồm thành nằm bên trái cổng thành dài 127,59m và đoạn thành bên phải cổng thành dài khoảng 28m. Chính giữa khe núi là nơi có vị trí thấp nhất và cũng chính là lối ra vào khu vực thành cổ rộng khoảng 3m.

          Đơn nguyên 2, thành Tây Nam: Để bảo vệ khu vực trong thung lũng, Giàng Chẩn Mìn cho xây dựng một đoạn thành khác dài 60,66m nối từ núi Láo Chỉn Sảng sang quả núi bên cạnh tạo lối vào trong thành bằng 1 của rộng trên 2m. Đoạn tường thành này cũng được xếp bằng đá tự nhiên dựa trên địa hình vốn có của núi. Những tảng, trụ đá được nối lại với nhau bằng các đoạn thành. Hiện trạng nhiều đoạn thành đã bị đổ, một số đoạn bị đổ phần trên. Cơ bản vẫn định hình được tất cả do còn phần chân móng.

          Phần mộ của ông Giàng Chẩn Mìn: Ngôi mộ dài 7,5m, cao 2,2m, rộng 5,0m. Hướng nhìn sang phía Bắc (Trung Quốc). Cửa mộ được làm bằng những tấm đá ghép lại, trên đó được khắc chữ Hán, trên cửa tạo mái có trang trí hoa văn chằn dải và hoa cúc.

          Phần mộ của ông Giàng Chẩn Hùng: Tọa lạc tại thôn Nàng Cảng 2, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai. Nơi đây cảnh vật hữu tình, đồi cao thoáng mát, phía trước mặt là đường liên thôn, phía sau là rừng thông lâu năm. Kích thước phần mộ của ông Giàng Chẩn Hùng cũng rất quy mô mang hình dáng con rùa đang chầu với mai rùa là phần mộ được chôn cất (phần này hiện nay đã bị phá hoại và đầu rùa là bia mộ). Phía trước mộ được kè đá kiểu bậc tam cấp, cửa mộ được dựng một tấm bia, trước cửa là khuôn viên bằng phẳng là nơi cúng dỗ hằng năm bà con nhân dân nơi đây. Xung quanh được kẻ bằng nhiều khối đã lớn cũng giống như mộ ông Giàng Chẩn Mìn có kích thước khoảng 1,8m - 2m, rộng khoảng 20cm - 25cm và có trọng lượng hàng trăm cân. Trên khuôn viên phía trước được bài trí 2 con nghê bằng đá được tạo tác bàn tay nghệ nhân với những nét chạm khắc rất tinh xảo.

          Sơ lược bản dịch trên bia mộ ông Giàng Chẩn Mìn có ghi: "Khi mất mang họ Dương Công - Húy Chính Minh Lão Đại Nhân", ngày giờ mất "giờ Tuất ngày 11 tháng tháng 2 năm Giáp Dần", thời gian lập bia mộ "ngày 12 tháng 10 năm thứ 7 vào đời Vua Tự Đức", con trai "Dương Văn Phàm, Dương Văn Phú", cháu trai "Dương Gia Phúc, Dương Gia Lộc, Dương Gia Thọ, Dương Gia Hỷ, Dương Gia Tường, Dương Gia Thuận, Dương Gia Triệu".

          Sơ lược bản dịch trên bia mộ ông Giàng Chẩn Hùng có ghi: "Họ Dương, tên Chính Hồng - Lão Đại Nhân", ngày, giờ mất "giờ tý, ngày 13, tháng 7 năm Bính Thân, đời vua Thành Thái", thời gian lập bia mộ "giờ Dậu, ngày 18 tháng 12 năm Mậu Tuất, đời vua Thành Thái", con trai "Triều Lâm, Triều Phát, Triều Trinh, Triều Hiếu, Triều Thanh", cháu nam "Triều Lương, Triều Cao, Triều Phượng", em gái "Chính Hoa, Chính An", con rể "Hùng Chính Lương, Hạng Chiếu Phát".

          Tại buổi Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đề xuất UBND xã Lùng Thẩn tiếp tục liên hệ, sưu tầm tài liệu từ các thế hệ con, cháu hai ông để làm rõ hơn về thân thế, sự nghiệp và sớm hoàn thiện hồ sơ đề xuất UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng di tích phế tích Thành cổ Lùng Thẩn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (hiện chưa có thông tin về các thế hệ con, cháu của hai ông, nhưng theo người dân sống xung quanh thì thỉnh thoảng ban đêm vẫn có người đến thấp hương và rời đi).

          Để có thêm thông tin về thân thế, sự nghiệp của 2 ông, rất mong có sự đóng góp của các thế hệ con, cháu của hai ông và người dân. Mọi thông tin xin gửi về đồng chí Hảng Seo Toán - Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, email: hstoan-simacai@laocai.gov.vn, điện thoại: 0965150881./.                                        

Thanh Nghị
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1