Người dân vùng cao lào cai hưởng lợi từ chuyển đổi số
Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tại Lào Cai, cuộc cách mạng chuyển đổi số đang lan toả rộng khắp. Không chỉ tại vùng thấp, mà đồng bào vùng cao, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cũng đang hưởng lợi từ những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.
anh tin bai

Tổ công nghệ số cộng đồng xã Tân Thượng (Văn Bàn) hướng dẫn cài đặt ứng dụng VneID và sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Được Tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng các dịch vụ số, anh Nguyễn Trường Giang – thôn Tân Lập, xã Tân Thượng đã cài đặt, đăng ký tài khoản ngân hàng, một số phần mềm như VneID, cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, anh Giang phấn khởi chia sẻ: “Tôi đã được tuyên truyền và trải nghiệm tiện ích của việc thực hiện thủ tục đăng ký hồ sơ giải quyết công việc qua dịch vụ công. Tôi cũng không nghĩ đến lại thuận lợi và nhanh chóng như thế. Tôi mới mua một chiếc xe máy và phải làm thủ tục đăng ký, bấm biển. Được cán bộ công an hướng dẫn, tôi đã thực hiện đăng ký tại nhà, nhập thông tin và gửi hồ sơ qua dịch vụ công. Khi đến Công an huyện, hồ sơ của tôi đã được tiếp nhận, các đồng chí công an chỉ in hồ sơ và hoàn thành trong vòng 5-7 phút. Qua tuyên truyền tôi được biết khi cài đặt ứng dụng VneID và sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ rất thuận tiện khi đi khám chữa bệnh, hoặc quên giấy tờ tùy thân như: Căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế”.

Cũng giống như anh Giang, anh Sầm Văn Chiến - xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên chỉ mất vài phút để hoàn thành nhiều thủ tục về đất đai thay vì tốn thời gian, đi lại nhiều lần với các loại giấy tờ như trước đây. Bên cạnh việc liên thông với bộ phận 1 cửa của xã, các thủ tục hành chính được thực hiện qua nền tảng số, giúp anh Chiến rất nhiều trong việc chuẩn bị hồ sơ trước khi đến làm việc. Anh Sầm Văn Chiến chia sẻ: “Tôi đi làm sổ đỏ nói chung là làm nhanh hơn ngày trước. Các giấy tờ cần cho thủ tục được quy định trên cổng thông tin điện tử rồi, nếu có chỗ nào chưa rõ, mình gọi điện đến cán bộ xã hỏi trước và mang đến thôi. Cán bộ xã có giấy hẹn cho mình nên khi mình đến là làm được ngay, không phải đi lại nhiều lần, quan trọng là minh bạch, có lệ phí rõ ràng”.

Hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã thúc đẩy chuyển đổi số ở cơ sở. Giờ đây, nhiều người dân vùng cao đã có thói quen sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến thay vì dùng tiền mặt. Sản phẩm nông sản của địa phương được rao bán trên các trang thương mại điện tử, các nền tảng số cũng nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thị Hằng - xã Na Hối, huyện Bắc Hà chia sẻ: “Được các đồng chí bên Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, nhiều lúc đi mua sắm quên tiền hay sợ đánh rơi mất tiền, mình thanh toán bằng điện thoại di động cũng rất nhanh chóng, thuận lợi. Không chỉ mua sắm mà gia đình tôi có trồng mận tam hoa và lê, khi đến mùa thu hoạch tôi chỉ cần chụp ảnh, giới thiệu trên zalo, facebook, khách hàng có thể đặt mua hàng ngay với tôi”.

Đối với địa bàn vùng cao, khoảng cách địa lý luôn là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách địa lý. Đây còn là cánh cửa quan trọng hướng tới những tri thức hội nhập của bà con vùng cao.

Trước đây, bà con ở những xã vùng cao như: Nậm Phung, Y Tý, Dền Thàng, A Lù huyện Bát Xát hay Tân Tiến, Kim Sơn của huyện Bảo Yên muốn mua nhiều mặt hàng phải về trung tâm các huyện mới có, thì nay có thể ngồi nhà đặt hàng qua mạng, shipper đưa đến tận nhà.

Nhiều sản phẩm nông sản của bà con nông dân cũng không phải mang ra chợ bày bán nữa mà chỉ cần rao bán trên Facebook, Zalo cũng tiếp cận được khách hàng khắp cả nước.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là “chìa khóa” để sản phẩm vùng cao tận dụng được những cơ hội tiếp cận khách hàng, vừa hướng tới sự phát triển một cách bền vững, giúp cho những sản vật đặc sản miền núi đến được với những thị trường lớn.

anh tin bai

Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng xã Tả Phời (thành phố Lào Cai).

Tỉnh Lào Cai đã thành lập hơn 1.500 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 7.300 thành viên. Đồng thời triển khai tích hợp hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Những kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Lào Cai tiếp tục có nhiều những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện, phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Văn Hạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Tổ công nghệ số cộng đồng là cánh tay nối dài của các cơ quan chính quyền các cấp đến với người dân nhanh nhất, nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân thông qua quá trình chuyển đổi số, cắt giảm về thủ tục hành chính ngành, giảm thiểu về thành phần hồ sơ cho các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND phê duyệt danh sách 117 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó có 69 thôn thuộc xã khu vực III và 48 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Chuyển đổi số đang góp phần xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người dân về tiếp cận dịch vụ, tiếp cận thông tin, nâng cao kỹ năng về ứng dụng công nghệ, phục vụ sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ tiện ích khác. Qua đó đẩy nhanh mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số./.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1