Ban Kinh tế xã hội HĐND huyện giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh tại các trường PTDTBT trên địa bàn huyện Si Ma Cai
Chiều ngày 16/5/2023, Đoàn giám sát của Ban KT-XH Hội đồng nhân dân huyện do đồng chí Lê Thị Hà, Trưởng Kinh tế– Xã hội làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Phòng Giáo dục Đào tạo và một số đơn vị trường học thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh tại các trường PTDTBT trên địa bàn huyện Si Ma Cai.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chế độ ưu đãi đối với học sinh; hạ tầng giáo dục, chất lượng giáo dục có nhiều khởi sắc; hệ thống mạng lưới trường lớp được củng cố và duy trì ổn định, hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú đã thực sự trở thành trường nòng cốt phát triển giáo dục vùng cao. Năm học 2022-2023, toàn huyện có 41 trường học (MN: 14; TH: 14; THCS: 11; TH&THCS: 02) với 539 lớp 11713 học sinh. Toàn huyện hiện có 26/27 trường tổ chức bán trú (16 trường PTDTBT, 10 trường phổ thông có học sinh ở bán trú); tổng số học sinh ở bán trú là 3478 học sinh (cấp TH 1767 học sinh, cấp THCS 1711 học sinh).
Tình hình dạy và học tại các trường được được đảm bảo, nền nếp hoạt động bán trú ổn định. Các trường đã tổ chức tốt đời sống cho học sinh bán trú như phòng ở, nấu ăn tập thể, tổ chức học buổi 2, học buổi tối và các hoạt động lao động, vệ sinh, sinh hoạt tập thể, văn nghệ, TDTT, tăng gia sản xuất, xây dựng trường môi trường học tập...; tổ chức có hiệu quả các hoạt động quản lí học sinh, tăng cường kỷ cương, nền nếp; giáo dục kĩ năng sống; tổ chức diễn tập các hoạt động bán trú có hiệu quả; đảm bảo an ninh an toàn trong trường học, triển khai tổ chức thực hiện mô hình học sinh nội trú, bán trú tự quản - giúp nhau cùng tiến bộ. Việc chi trả các chế độ cho học sinh bán trú đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ còn một số khó khăn, hạn chế như: Các xã hoàn thành nông thôn mới, nhà trường phải chuyển đổi loại hình từ trường Phổ thông dân tộc bán trú sang trường phổ thông có học sinh bán trú, học sinh không còn được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ, nhiều phụ huynh học sinh vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chế độ chính sách của nhà nước do đó rất khó khăn trong cho các nhà trường trong công tác huy động xã hội hóa, đóng góp tiền ăn, tiền học phí....Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đã giảm qua các năm nhưng mức sống nhân dân vùng cao còn thấp; trình độ dân trí tuy được nâng lên nhưng một bộ phận ở vùng cao còn hạn chế do vậy việc thu học phí ở một số trường học thuộc xã khu vực I còn chậm. Nhiều học sinh mặc dù có hộ khẩu tại các thôn ĐBKK ở xã HTNTM (xã Nàn Sán), thị trấn khu vực I nhưng lại không đủ điều kiện ở bán trú theo Nghị định 116 của Chính phủ, gia đình không có điều kiện đóng góp kinh phí tiền ăn bán trú nên các em thường xuyên bỏ học ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động, tỷ lệ chuyên cần.
Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được, chia sẽ những khó khăn của trường trong thời gian qua; đồng thời đề nghị thời gian đến trường cần quan tâm thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt việc phối hợp giữa chính quyền, nhà trường, gia đình, các tổ chức đoàn thể thực hiện các giải pháp hạn chế có hiệu quả tình trạng bỏ học của học sinh; thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực, trình độ đội ngũ quản lý và GV để xác định nhu cầu, mục tiêu, nội dung, phương thức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp; kịp thời tổng hợp, phản ánh những bất cập, hạn chế trong công tác dạy và học, xin ý kiến hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn từ Phòng, Sở Giáo dục và đào tạo. ./.