Sau khi cơn bão số 3 đi qua, đã càn quét gây nhiều thiệt hại cho huyện Si Ma Cai, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, hàng chục ha ngô,lúa của người dân Si Ma Cai chưa kịp thu hoạch đã bị gãy đổ, ngập úng. Nhiều diện tích lúa chìm trong dòng nước, thiệt hại ước tính gần 2 tỷ đồng.
Các thửa lúa bị ngập nặng
Tại cánh đồng lúa xã Quan Hồ Thẩn, sau 14 ngày nước ngập úng. Ngay sau khi nước rút, bà con nhân dân tranh thủ ra thu hoạch. Tuy nhiên, tại nhiều thửa ruộng hiện vẫn còn ngập úng, sình lầy, lúa gãy đổ nên bà con nông dân phải thu hoạch thủ công (gặt bằng tay). Hiện người dân đang thực hiện đổi công cho nhau. Nơi nào ngập nặng, lúa chín trước và nguy cơ bị hỏng, bị thối cao thì ưu tiên tập trung nhân lực gặt trước. Gọi là thu hoạch nhưng thực ra là bươi, moi lúa từ dưới bùn, nước lên. Nhìn về phía cánh đồng ông Sùng Seo Nhà, thôn Seo Cán Hồ, xã Quan Hồ Thẩn nghẹn ngào: “Cánh đồng này năm nay, từ bao nhiêu đời chưa có đời nào như này, năm nay là mất hết. Mình cũng có thể là tranh thủ đi làm một tí nhưng phải cạn hết mới đi được, chắc năm nay không được rồi, mất hết rồi.”
Tranh thủ thời tiết khô ráo, gia đình ông Sùng Seo Chẩn thôn Tả Cán Hồ, xã Quan Hồ Thẩn cũng đang tập trung nhân lực thu hoạch lúa mùa. Năm nay gia đình ông đã trồng gần 7kg giống lúa mới dự tính cho năng suất, tuy nhiên cơn bão số 3 vừa qua làm ngập hết diện tích lúa đang vào độ chín, chính vì vậy gia đình ông gấp rút ra đồng để thu hoạch diện tích lúa đã bị đổ. Ông Sùng Seo Chẩn thôn Tả Cán Hồ, xã Quan Hồ Thẩn nói: “ 6-7kg giống lúa này không ăn được đâu. Mình bỏ đi thì tiếc, lấy về để cho con gà, con lợn ăn thôi, mình không ăn được đâu, đất nhiều quá”


Các thửa lúa bị ngập nặng- người dân phải giũ bùn trước khi mang phơi
Gia đình bà Thào Thị Dở thôn Cốc Phà xã Cán Cấu cũng đang tập trung hoạch diện tích Ngô bị ngập úng. Do mưa lớn kéo dài, ngô bị ngâm ủ trong nước, do vậy, số lượng lớn ngô đã có dấu hiệu mọc mầm. Những mảnh ở cao hơn, thu hoạch về chỉ để 3 ngày trong nhà không phơi được hiện đã lên mốc. Vừa thu hoạch ngô bà Thào Thị Dở, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu vừa nói: “Chỗ này nhà tôi trồng 3kg giống ngô, mưa ngập hết rồi, ngập đến cả cái lán tôi dựng để đi nương này, nay không mưa nữa thì mới dám đi bẻ ngô, còn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu thôi”
Huyện Si Ma Cai đã thành lập các tổ công tác xuống các xã để tập trung thống kê, rà soát kỹ lưỡng đối với các hộ dân bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân thu hoạch lúa vụ mùa, cải tạo đất, diện tích ruộng lúa bị thiệt hại. Theo phòng nông nghiệp huyện Si Ma Cai, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại cho 153,8ha lúa, 47,3ha ngô và hoa màu. 59,3 tấn lương thực bị trôi và ẩm ướt, 51/127 công trình thủy lợi bị hư hỏng. Hiện huyện Si Ma Cai đang tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả của mưa lụt, tiếp tục sản xuất.

Diện tích ngô bị ngập chưa thu hoạch được- phải tách vỏ phơi khô
Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: “ Chịu ảnh hưởng cơn bão số 3, Si Ma Cai đã ảnh hưởng rất nặng nề về người và tài sản, trong đó ngành nông nghiệp đã bị ảnh hưởng. Để khắc phục cho bà con, huyện chúng tôi đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối với với đơn vị liên quan tiếp tục rà soát và tập trung khắc phục cho bà con. Đầu tiên là ổn định cuộc sống cho người dân, thứ hai là hỗ trợ cây,con giống để bảo cho cuộc sống người dân về sau, đồng thời đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Đối với diện tích không bị ảnh hưởng, thì căn cứ vào tình hình thời tiết, trời nắng thì chúng tôi đã huy động người dân tiếp thục thu hoạch các nông sản còn lại và khuyến cáo không để các sản phẩm nông sản sau thu hoạch tại đồng ruộng, tránh tình trạng mưa. Để làm được điều này, chúng tôi đã huy động các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ để bà con sớm ổn định cuộc sống”
Để khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo kế hoạch gieo trồng trong thời thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Si Ma Cai tiếp tục huy động mọi nguồn lực để khắc phục. Đối với diện tích rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch cần tranh thủ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng. Những diện tích không có khả năng phục hồi thì thu gom để tiêu hủy, dùng vôi bột khử trùng, xới xáo đất để tránh yếm khí, vi khuẩn, vi trùng tồn tại trong đất, chuẩn bị đất để sản xuất vụ Đông. Có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể xử lý thiệt hại, phục hồi cây trồng đối với các loại cây hàng năm, cây lâu năm, cây ăn quả… Đồng thời, huyện cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, có biện pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp./.