Vươn lên làm giàu từ nghề may mặc thổ cẩm.

Vừa đến thôn Lao Tỷ Phùng, xã Sán Chải, tôi được nghe câu chuyện của mấy chị phụ nữ còn rất trẻ nói với nhau: “Nghỉ tết xong, công việc mùa màng đã ổn định, em phải đi nhận hàng về làm đây…”.  Qua tìm hiểu, tôi được biết: Nhiều người đến nhận mẫu may váy thổ cẩm ở nhà chị Sùng Thị Chấu, rồi đem về nhà làm. Sau khi thành phẩm thì lại mang đến bán lại cho chị Chấu. Theo các chị em, các loại mẫu váy, áo do chị Chấu thiết kế rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, hàng làm ra đến đâu, bán hết đến đó.

Cùng với chị Vàng Thị Dí, chủ tịch Hội phụ nữ xã Sán Chải, tôi đến  thăm gia đình  chị Sùng Thị Châu, là  hộ có thu nhập khá cao từ nghề may thổ cẩm. Theo chị Dí cho biết việc may thêu thổ cẩm rất quen thuộc với các chị em vùng cao, nhưng để có được một sản phẩm đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thì không phải ai cũng làm được.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang,  với đầy đủ tiện nghị sinh hoạt hiện đại, chị Sùng Thị Châu vui vẻ  cho biết: “Gia đình tôi mới chuyển ra ở ngôi nhà này được gần 2 năm,  Căn nhà và những vật dụng này, chính là từ tiền chị dành dụm từ nghề may thổ cẩm mang lại”. Chị cho biết thêm: chị sinh ra và lớn lên tại thôn Phố Cũ, xã Si Ma Cai, năm 2002 chị lập gia đình và theo chồng về quê sinh sống, những năm đầu mới lập gia đình, cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, đất đai ít lại bạc màu, hiệu quả kinh tế không cao vì vậy gia đình khá vất vả trong mưu sinh, con cái thì không được ăn học đến nơi đến chốn. Sau nhiều năm trăn trở, suy nghĩ tìm đủ mọi cách để gia đình thoát khỏi cái nghèo. Từ năm 2006, chị đã chủ động tìm hiểu, kỹ thuật nghề may quần áo thổ cẩm, tìm hiểu giá cả buôn, bán quần áo của đồng bào dân tôc Mông tại các phiên chợ vùng cao. Với mong muốn  nghề may  thổ cẩm sẽ đem lại kinh tế cao cho gia đình. Vốn có tiếng khéo tay trong may vá, thêu thùa từ nhỏ nên chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã biết sử dụng thành thạo máy khâu và may váy áo rất đẹp. Từ đó, chị bắt đầu liên hệ đi tìm mua vải với nhiều chất liệu, màu sắc khác nhau sao cho phù hợp với bản sắc trang phục dân tộc Mông. Chị cho biết thêm:  để bộ trang phục phù hợp thị hiếu người tiêu dùng đòi hỏi phải có sự khéo léo trong việc xen lẫn các họa tiết kết hợp với thêu dệt thổ cẩm ở các chi tiết như cổ áo, dây thắt eo, yếm. Sản phẩm làm ra được gia đình chị mang đi giao bán ở khắp các chợ phiên vùng cao.

Thấy gia đình chị Sùng Thị Chấu, khá giả nên từ nghề may mặc, buôn bán quần áo thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông, nhiều hộ gia đình trong thôn đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm cũng như nhận các sản phẩm như hạt cườm, zi văng,  dây đai…đem về để trang trí các họa tiết  trong lúc nông nhàn, từ đó, có thêm thu nhập cho  gia đình.

 Sau nhiều năm phát triển nghề may mặc, buôn bán quần áo thổ cẩm, gia đình chị đã có thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình chị đã vươn lên thành hộ khá trong thôn. /.

Tiến Sỹ.

 


Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1