Lào Cai yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại cho dân ở xã Bản Lầu (Mường Khương)
Đồng chí Vương Trinh Quốc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì buổi họp báo.

Tham dự buổi họp báo có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh; phóng viên các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương thường trú tại Lào Cai.


 

Đồng chí Vương Trinh Quốc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh – Người phát ngôn của UBND tỉnh Lào Cai công bố nguyên nhân cây trồng bị ảnh hưởng tại xã Bản Lầu (Mường Khương) tại buổi họp báo.


Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng cây, hoa màu tại khu vực km 15, Quốc lộ 4D, thuộc xã Bản Lầu (Mường Khương) bị táp lá, cây dứa bị thối quả, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra (tại quyết định số 856/QĐ-UBND), tiến hành kiểm tra Nhà máy Luyện kim màu của Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh, đo quan trắc khí thải; kiểm tra đánh giá tình hình, lấy mẫu và phân tích mẫu để xác định nguyên nhân. Theo kết quả thống kê cho thấy tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại là 53,79 ha, phân bố nhiều tại khu vực tiếp giáp nhà máy. Trong đó có 11,8 ha cây dứa đang cho thu hoạch bị thiệt hại; 5,66 ha diện tích dứa trồng mới bị héo chết; 10,37 ha diện tích chè; 14,61 ha cây cao su bị ảnh hưởng; 4,65 ha cây chuối bị ảnh hưởng; 2.000 cây mít Thái Lan bị ảnh hưởng rụng quả và héo lá, ngoài ra còn có khoảng 0,2 ha ruộng cấy lúa 2 vụ bị đất đá vùi lấp.

Nguyên nhân chính dẫn đến các loại cây cối, hoa màu bị cháy, táp lá và quả dứa bị thối là do mưa và sương mù có chứa axit H2SO4 và hàm lượng các loại kim loại nặng (Cu, Pb…) ,.. trong đất, thân cây, lá cây và quả dứa quá cao, làm cây cối bị ngộ độc và quả bị thối. Đặc biệt đối với cây dứa và quả dứa do cấu tạo của mắt dứa và ngọn quả dứa có khả năng thu nước và tích nước rất cao nên bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo khảo sát thực tế thì phạm vi dứa và cây cối bị ảnh hưởng kéo dài khoảng 03 km tính từ nhà máy luyện kim mầu Bản Lầu chạy theo hướng Bắc ghé Tây đến khu nhà máy thủy điện Tà Lạt. Các vị trí gần nhà máy luyện kim bị thiệt hại nặng hơn, ở khoảng cách xa dần thì nhẹ hơn. Theo kết quả phân tích mẫu thành phần các chất có trong cây chè, dứa và mẫu đất hàm lượng các chất chứa lưu huỳnh (liên quan đến SO2) và các kim loại Cu, Pb cao hơn, khoảng cách xa dần thì thấp hơn.


 

Các cơ quan báo chí tham dự buổi họp báo.


Kết quả kiểm tra cũng cho thấy,  Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh còn một số tồn tại, cụ thể Việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chưa đảm bảo tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần 2; toàn bộ thiết bị, công nghệ của lò quay hoả luyện (đang vận hành), lò đứng hoả luyện (đang xây dựng) chưa được thẩm định công nghệ; một số thiết bị, máy móc công ty nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng chưa có giấy chứng nhận chất lượng và xuất xứ hàng hoá; các hạng mục xây dựng mới gồm lò quay và lò đứng chưa có giấy phép xây dựng do chưa giải phóng xong mặt bằng, nên chưa đủ điều kiện cấp phép chung cho cả dự án; công ty chưa bố trí cán bộ có chuyên ngành về môi trường để quản lý và vận hành hệ thống xử lý môi trường; hệ thống kênh dẫn và xử lý khí thải có một số vị trí bị hở, hệ thống máy bơm hoạt động hạn chế, hệ thống bể cung cấp dung dịch sữa vôi và phương pháp cấp liệu vôi và sữa vôi không bảo đảm độ ổn định liên tục; chưa thực hiện đăng ký nội quy lao động.

Buổi chiều cùng ngày, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về cây, hoa màu và dứa cho các hộ dân bị ảnh hưởng; tạm dừng mọi hoạt động sản xuất để khắc phục tồn tại và có văn bản báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành tổ chức kiểm tra, quan trắc, giám sát, nghiệm thu xác nhận trước khi cho phép nhà máy tiếp tục hoạt động; khẩn trương bố trí kinh phí, phối hợp với huyện Mường Khương và UBND xã Bản Lầu chi trả tiền giải phóng mặt bằng đối với phần còn lại của dự án, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện dự án theo đúng tiến độ mà UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận./.

Nhà máy luyện kim mầu, km15, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào Quy hoạch tại Quyết định số 6074/QĐ – BCT ngày 02/12/2019, với công suất 10 nghìn tấn sản phẩm kim loại/năm.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Luyện kim màu được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty Cổ phần VIDIFI Lào Cai vào ngày 22/12/2008. Theo đó, sản phẩm cuối cùng là đồng, công suất 5.000 tấn/năm; chì, kẽm, atimon 5.000 tấn/năm; axit sunfuric 35.000 tấn/năm và dự án phải hoàn thành thánh 12/2011. 

Ngày 25/4/2011, UBND tỉnh cho phép thay đổi Giấy chứng nhân đầu tư lần thứ nhất, nâng công suất lên 10.000 tấn/năm đối với đồng 98%, axit sunfuric và các sản phẩm khác giữ nguyên công suất.

Ngày 25/12/2015, Dự án tiếp tục được UBND tỉnh cho phép điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ hai. Trong đó, quy mô đầu tư giữ nguyên, nhưng thay đổi tư cách pháp nhân từ Công ty Cổ phần VIDIFI Lào Cai sang Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh và điều chỉnh lại tiến độ dự án.

+ Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản từ tháng 01/2015 đến tháng 9/2016; đồng thời duy trì săn xuất các sản phẩm: Bột đồng thủy luyện (99,95% Cu) với sản lượng 2000 tấn năm; các sản phẩm phụ gồm bột đồng, chì, kẽm, thiếc, atimon, quặng sắt vê viên.

+ Từ tháng 10/2016, sản xuất ra các sản phẩm đồng tấm tinh luyện 10.000 tấn/năm; H2S04 35.000 tấn/năm.

- Do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nên Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh đã đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án và đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 5756/UBND-KT ngày 24/11/2016 (điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án nhà máy luyện kim mầu Lào Cai đến hết tháng 10/2018).

Hiện nay, tiến độ triển khai dự án vẫn đang chậm so với tiến độ đã được chấp thuận tại Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 2 (toàn bộ dự án chậm hoàn thành quá 4 tháng).



Ban biên tập
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1