Si Ma Cai đẩy mạnh kích cầu phát triển du lịch

    Để phát triển ngành du lịch, dịch vụ, gắn với bảo tồn phát huy các di sản văn hóa các dân tộc, những năm gần đây huyện Si Ma Cai đã và đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân, tận dụng những tiềm năng, thế mạnh sẵn, xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt về dịch vụ du lịch tránh sự đơn điệu và trùng lặp với các huyện lân cận.  
    Để thực hiện thành công chủ trương này, huyện Si  Ma Cai đang tập trung mọi nguồn lực để tăng cường việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch hiện có, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng mọi nguồn lực, mọi sự quan tâm ủng hộ từ các ban, ngành của tỉnh để kích cầu, phát triển về du lịch. Để làm được điều này, huyện đang tăng cường sự lãnh đạo của đảng, đối với công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cây Lê Tai Nung tại xã Lùng Thẩn

    Từ đầu năm 2021, huyện đã tiến hành khảo sát, xây dựng các sản phẩm OCOP, đã duy trì và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tạo điểm nhấn thu hút du khách đến trải nghiệm. Đặc biệt tổ chức thành công lễ hội hoa lê trắng lần thứ  nhất năm 2022, thông qua lễ hội đã thu hút được trên 4 nghìn lượt du khách. Khách du lịch đến với Si Ma Cai đã tăng lên đáng kể, năm 2021 toàn huyện đón 15 nghìn lượt khách, ước tính doanh thu từ du lịch đạt trên 2 tỷ đồng. Đến thời này, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022,  đã thu hút được hơn 8 nghìn lượt khách, ước tính doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng.   
    Cùng với các hoạt động quảng bá hình ảnh, huyện Si Ma Cai cũng đã tập trung phát triển nguồn nhân lực, các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Mận Tả Van Si Ma Cai, Lê Tai Nung, trứng vịt Sín Chéng, cây dược liệu. Bên cạnh đó là bảo tồn và phát những di sản văn hóa của huyện. Năm 2018, huyện đã tiến hành tôn tạo di tích văn hóa Đền Si Ma Cai, tại thị trấn Si Ma Cai. Đây là di tích được công nhận, là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, huyện cũng đã sưu tầm được 10 bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc và một số đồ dùng trong sinh hoạt phục vụ sản xuất, các nhạc cụ của đồng bào Mông, Nùng, Thu Lao. Năm 2019 huyện Si Ma Cai có 02 di tích được đưa vào danh sách kiểm kê di sản văn hóa vật thể của tỉnh Lào Cai đó là Di tích đền Si Ma Cai, di tích thành cổ xã Lùng Thẩn. 


    Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Si Ma Cai, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền. Xây dựng các bài viết, các phóng sự, trên cổng thông tin điện tử của huyện và fanpage của huyện. Đăng tải các video clip quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội facebook, youtube, tham gia các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh tạo ấn tượng tốt đối với du khách. 
    Si Ma Cai hiện nay đã có những khởi sắc rõ rệt, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như: Việc huy động nguồn lực xây dựng đường giao thông kết nối các tua, tuyến tại các điểm danh lam thắng cảnh, cơ sở vật chất phục vụ du khách còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm quà lưu niệm cho du khách lựa chọn. Hiện nay, huyện đang từng bước hoàn thành kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025.

    Với những định hướng, việc làm cụ thể, huyện Si Ma Cai tiếp tục phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
    Để thu hút du khách, triển khai hiệu quả các biện pháp quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch, huyện cũng đã yêu cầu các cấp, ngành, các xã, thị trấn trong huyện cần tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa, triển khai hiệu quả chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch của huyện trong năm 2022. Để khai thác hiệu quả chương trình này, huyện Si Ma Cai đang cùng với các đơn vị, địa phương, tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, các địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hay du lịch nông nghiệp, cộng đồng. Đồng thời, phát triển như du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại các xã, thị trấn như: Lễ hội mận tả van xã Lùng Thẩn, các hoạt động trải nghiệm tại thị trấn Si Ma Cai, xã Quan Hồ Thẩn, xã Bản Mế,  lễ hội mùa vàng tại xã Sín Chéng. Chương trình “Si Ma Cai - Hương sắc vùng cao” được tổ chức xuyên suốt trong năm 2022.  
    Nằm trong khuân khổ của chương trình Si Ma Cai hương sắc vùng cao, xã Lùng Thẩn được huyện chọn là một trong những điểm nhấn của lễ hội. Là xã có diện tích trồng mận, lê cao nhất huyện với trên 400 ha, nhiều vườn đã cho thu hoạch, cùng với đó là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Là điểm đến lý tưởng cho du khách đến chiêm ngưỡng. Theo kế hoạch, dự kiến lễ hội Si Ma Cai hương sắc vùng cao sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ hội mận tả van Si Ma Cai, trải nghiệm khám phá Lễ hội cúng rừng tại xã Lùng Thẩn. Ngày hội nông sản và văn hóa dân gian tại thị trấn Si Ma Cai, Trải nghiệm chợ văn hóa Si Ma Cai, thăm khu di tích lịch sử văn hóa đền Si Ma Cai, khám phá rừng cấm Phố Cũ…cùng nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc khác. Đến nay công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng chào đón du khách đến tham gia chương trình.
    Đến với thị Trấn Si Ma Cai du khách sẽ được tham quan ngày hội nông sản văn hóa dân gian cũng sẽ được diễn ra với nhiều hoạt động như: Tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc sắc, các sản phẩm nông sản tiêu biểu của các xã, thị trấn trong huyện. Tham quan, trải nghiệm chợ văn hóa Si Ma Cai. Thăm di tích lịch sử văn hóa Đền Si Ma Cai. Khám phá nét đẹp hoang sơ và linh thiêng rừng cấm Si Ma Cai. Tham gia các trò chơi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tại các gian hàng và tổ chức các môn thể thao dân tộc.
    Trải nghiệm tại xã Quan Hồ Thẩn là một trong những hoạt động hấp dẫn để cảm nhận không khí trong lành bên những vườn lê trĩu quả và trải nghiệm hoạt động “Hái quả mùa hè”, và hòa mình trải nghiệm đời sống sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc mông tại địa phương. Tham gia các hoạt động trải nghiệm. “Ngắm hoa mùa xuân”, “Hái quả mùa hè”.  Trải nghiệm bản sắc văn hóa dân gian, ẩm thực dân tộc và đời sống thường ngày của nhân dân địa phương.
    Kết hợp tham quan, trải nghiệm chợ văn hóa Cán Cấu xã Cán Cấu. Các đồi cây ăn trái của các xã như: Thào Chư Phìn. Đến với Thào Chư Phìn du khách sẽ được tham quan các vườn Mận tả van, vườn vải chí xum xuê sai trĩu quả, các danh lam thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Bên cạnh đó tham quan trải nghiệm thôn Sán Chá nơi có 100% người dân tộc thu Lao sinh sống. Những nét văn hóa đặc trưng của địa phương này.
    Đến với xã Bản Mế du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm như câu cá thư giãn, leo cầu thang lên mây, ngắm cảnh trên tháp, hòa mình vào thiên nhiên tại vườn hoa Tây Bắc thôn Cốc Rế, xã Bản Mế, trải nghiệm du thuyền dọc tuyến sông chảy Bản Mế, Si Ma Cai - Cốc Ly, Bắc Hà. Tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ dân gian, ẩm thực dân tộc. Trải nghiệm phong tục tập quán và đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương. 
    Tham gia Lễ hội “Mùa vàng Sín Chéng” dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 9, du khách được chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang trải dài mênh mông trên các sườn núi và hòa mình cùng sắc màu vàng óng của lúa khi vào mùa chín rộ; đồng thời trải nghiệm những bản sắc văn hóa dân gian, đời sống, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc tại Sín Chéng và các xã Bản Mế, Thào Chư Phìn. 
    Chương tình “Si Ma Cai, hương sắc vùng Cao” sẽ được tổ chức từ ngày 17 đến 28/6. Việc tổ chức thành công lễ hội sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Si Ma Cai rộng rãi hơn với người dân cả nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, gắn với du lịch, dịch vụ và du lịch sinh thái, phát huy lợi thế của địa phương, phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện./.


Thanh Nhàn - Tiến Sỹ
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1