Đặc sắc vắn hóa - ẩm thực Si Ma Cai
Nét đặc trưng đầu tiên của Si Ma Cai đó là chợ phiên Cán cấu,  chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hoá, mà còn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Chợ phiên họp vào thứ bảy  hàng tuần, bắt đầu từ sáng sớm cho đến tận chiều, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán. Người đi chợ có khi chỉ mang 1 con gà, 1 con ngan, con lợn cắp nách, dắt theo sau là con chó hay ít lương thực, rau quả để bán, đôi khi cũng là vài ba cây mía, cái lồng chim… Những thiếu nữ Mông xuống chợ với xúng xính váy áo, cùng chiếc ô xòe rộng trên tay. Chợ phiên còn là dịp để phụ nữ Si Ma Cai có dịp khoe tài may vá, thêu thùa qua những sản phẩm thổ cẩm của mình. Sau khi bán hàng, họ mua những vật dụng cần thiết và thưởng thức các món ăn được bán ở chợ. Chợ là nơi trao tình bằng hữu, trao cái bắt tay rồi chạm chén bên nồi thắng cố dậy mùi và chia sẻ nỗi tâm giao.

Chợ Cán cấu nhìn từ trên cao(ảnh sưu tầm)

Nhộn nhịp chợ trâu Cán cấu(ảnh sưu tầm)


Nếu như Bắc Hà nổi tiếng với đặc sản rượu Bản Phố, thì Si Ma Cai có rượu Mản Thẩn, Sín Chéng cũng được xếp hạng và có thương hiệu riêng. Rượu Si Ma Cai được nấu bởi kỹ thuật truyền thống bao đời của đồng bào Mông, tạo nên sự tinh túy nhất trong hương vị rượu ở đây. Đến với Si Ma Cai, ai cũng muốn được thưởng thức các món ăn được chế biến từ thịt gà đen, theo cách gọi của dân bản là gà "okê". Loại gà này rất dễ phân biệt bởi lông đen tuyền, toàn bộ da, thịt và xương đều đen, gà thường được nuôi thả tự nhiên trên các triền đồi nên thịt rất thơm ngon. Thịt lợn hun khói cũng là món đặc sản của vùng cao Si Ma Cai. Loại thịt này có thể dự trữ lâu ngày, được chế biến cùng với món dưa cải cay thì thật thú vị. Si Ma Cai còn hút lòng thực khách bởi các món ăn ngon mang đậm bản sắc dân tộc, như xôi ngũ sắc, canh óc đậu…

Người dân đang nấu một nồi rượu(ảnh sưu tầm)


Gà đen nướng mật ong thơm ngon không thể chối từ(ảnh sưu tầm)

Để chế biến món thịt lợn đen hun khói, người dân chọn thịt ba chỉ, không quá nạc không quá mỡ. Rồi rửa sạch thịt, cắt thành những miếng dài rồi tẩm, ướp gia vị. Gia vị thường là tỏi, ớt, muối và chút rượu cho thịt thơm hơn, săn hơn và để được lâu hơn. Sau khi tẩm ướp xong, thịt được gác lên bếp.

Món thịt lợn đen hun khói(ảnh sưu tầm)
Lên Si Ma Cai, du khách có cơ hội thưởng thức món thắng cố - đặc sản của đồng bào người H'Mông. Nếu miền xuôi tự hào có phở thì người miền núi tự hào vì có thắng cố. Tiết trời se lạnh, ăn thắng cố càng ngon, nhâm nhi cùng với chén rượu Mản Thẩn thì còn gì tuyệt bằng. Lên Si Ma Cai mà không được thưởng thức thắng cố và không được nhâm nhi chén rượu ngô thì thật tiếc.

Món thắng cố(ảnh sưu tầm)


Các bà, các mẹ đang nấu món thắng cố(ảnh sưu tầm)

Những ngày nắng nóng, lên Si Ma Cai nghỉ dưỡng, du khách được thưởng thức món ăn vô cùng dân dã. Đó là bánh đúc - món ăn đặc biệt trong phiên chợ của người Si Ma Cai.
Nguyên liệu làm bánh là bột đao hoặc bột ngô. Nếu làm bánh từ bột đao thì bánh đúc có màu trắng, nếu làm bánh từ bột ngô thì bánh đúc sẽ có màu vàng. Bánh đúc được ăn kèm với nước dưa chua cùng gia vị tương ớt, đậu xị, rau mùi. Những ngày hè nóng bức, được thưởng thức bát bánh đúc của người dân vùng cao thì thật tuyệt. Bánh đúc có tác dụng giải nhiệt và giải khát rất tốt.


Đối với người Mông ở Si Ma Cai, nói đến kiến trúc cổ xưa thì nhà ở cũng là một nét văn hóa còn giữ nguyên giá trị, đó là nhà trình tường đất phù hợp với đặc điểm khí hậu và địa hình ở đây. Nhà trình tường của người Mông Si Ma Cai được làm rất công phu. Theo truyền thống, thì từ tháng 10 -11 âm lịch, sau khi thu hoạch mùa xong, đồng bào Mông bắt tay vào làm nhà. Nhà trình tường ở Si Ma Cai có kiến trúc độc đáo, cột được làm bằng gỗ, mái lợp ngói, tường làm bằng đất nên mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Khi công việc làm nhà bắt đầu thì cả thôn đến giúp hoặc làm đổi công, đây là thể hiện tinh thần đoàn kết và tính cố kết cộng đồng cao. Nhờ quy trình làm rất kỳ công nên nhà trình tường rất bền

Ruộng bậc thang Si Ma Cai

Các dân tộc ở Si Ma Cai có nhiều lễ hội thể hiện được bản sắc riêng của dân tộc mình, như Gầu Tào, xuống đồng và cúng rừng. Trong đó, cúng rừng là lễ hội thể hiện ý thức tâm linh và ý thức tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên. Lễ cúng rừng đầu xuân là một trong những nghi lễ rất quan trọng nên đồng bào chuẩn bị chu đáo, cẩn thận. Theo nghi lễ, sau khi cúng xong, trong 3 ngày sau đó người dân không được động thổ, dùng dao, cuốc, xẻng đào đất hay chặt bất cứ thứ cây gì, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Suy nghĩ này xuất phát quan niệm thần rừng rất thiêng và sẽ phù hộ, che chở cho người có cái tâm trong sáng và biết bảo vệ thiên nhiên. Đến Si Ma Cai hôm nay, ngay giữa trung tâm huyện là khu rừng với các loại cây xanh có tên "Rừng Cấm", đây là nơi thường diễn ra các lễ hội cúng rừng đầu năm.

Người Mông Si Ma Cai còn có lễ hội Gầu Tào rất đặc trưng, thường tổ chức sau tết cổ truyền của dân tộc. Trong lễ hội thường có hát đối đáp nam nữ giao duyên, tỏ tình bằng hát ống, dùng khèn lá, đàn môi gọi nhau tâm sự. Trong các lễ hội này thường được các chàng trai thể hiện tinh thần thượng võ qua trò chơi võ đá. Lễ hội được tổ chức trên bãi sân rộng bằng phẳng tại các thôn, bản thu hút mọi người dân tham gia.

Đám cưới ở đây theo tục lệ cổ truyền từ bao đời nay. Theo tục lệ kéo vợ của người Mông, sau 3 ngày kéo được vợ về thì đại diện gia đình nhà trai sang nhà cô gái xin cưới (nếu bố mẹ cô gái không tiếp thì đồng nghĩa với việc không đồng ý). Khi sang nhà gái, nhà trai đem theo một chai rượu, một gói thuốc lào và tự tay rót rượu, vê thuốc lào mời từng người trong gia đình cô gái. Lễ ăn hỏi thường được nhà gái yêu cầu gồm: Rượu và một đôi gà (một trống, một mái). Lễ cưới nhà trai chuẩn bị gồm: Tiền mặt (tùy từng gia đình), một con lợn, một chiếc ô. Đây là phong tục mang nét đặc trưng của dân tộc Mông ở Si Ma Cai còn được giữ đến ngày nay.


Trung tâm hành chính Si Ma Cai(ảnh sưu tầm)
Ngày qua ngày, Si Ma Cai đang vặn mình phát triển. Nhưng những nét văn hóa đặc trưng, nền ẩm thực độc đáo vẫn luôn được bảo tồn và giữ gìn. Những đặc sản nổi tiếng của thung lũng Si Ma Cai luôn hấp dẫn du khách, du khách không chỉ muốn thưởng thức một lần mà còn muốn thưởng thức lần hai, lần ba. Những đặc sản đó cũng như con người Si Ma Cai bình dị, dân dã nhưng luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ với thực khách

Vũ Chiến - Vp HĐND - UBND
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1