Ban Kinh tế - Xã hội HĐND giám sát chuyên đề về quy định chính sách bảo trợ xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện
20/09/2022
Ngày 20/9/2022, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện do bà Lê Thị Hà, Trưởng ban Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện làm Trưởng Đoàn đã tiến hành giám sát về quy định chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) đối với đối tượng BTXH trên địa bàn huyện Si Ma Cai. Tham dự cùng với đoàn còn có lãnh đạo các Ban HĐND huyện, thành viên Ban KTXH.
Qua đó, theo báo cáo của phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Ngay từ khi Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực, phòng đã tham mưu UBND huyện tiến hành điều chỉnh trợ cấp cho các đối tượng BTXH trên địa bàn huyện theo mức chuẩn mới, trong đó số đối tượng được điều chỉnh là 359 người, từ mức kinh phí trợ cấp 117.450.000 đồng/tháng lên 156.600.000 đồng/tháng.
Đến nay, toàn huyện có 1.140 đối tượng đang được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên (tăng 781 đối tượng so với thời điểm 30/6/2021), với tổng kinh phí trợ cấp năm từ 01/7/2021 đến hết 31/7/2022 là 4.365.540.000 đồng.
Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, công tác trợ giúp đột xuất cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, các hộ gia đình, cá nhân gặp thiên tai, hỏa hoạn và các sự cố bất khả kháng, các đối tượng lang thang không có nơi cư trú... trên địa bàn huyện Si Ma Cai được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, các xã quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả. Từ ngày 01/7/2021 đến hết 31/7/2022: Đã tiến hành hỗ trợ khẩn cấp cho 01 tổ chức (UBND xã Nàn Sán) và 01 hộ gia đình tại xã Thào Chư Phìn, với tổng kinh phí hỗ trợ 36.000.000 đồng.
Trao đổi thảo luận tại cuộc làm việc ngoài những mặt tích cực đã làm được Đoàn cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như công tác quản lý, theo dõi biến động của các đối tượng bảo trợ xã hội của một số xã đôi lúc chưa kịp thời, đặc biệt là việc cập nhật các đối tượng giảm (Việc báo giảm đối tượng chết chậm); Việc cung cấp các giấy tờ tùy thân của đối tượng thụ hưởng không đầy đủ, thiếu đồng nhất ngày, tháng, năm sinh và họ tên đệm (Giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu,...) gây khó khăn trong việc lập hồ sơ, xác định thời gian hưởng chế độ trợ cấp và theo dõi, quản lý đối tượng. Việc phối hợp quản lý, theo dõi, cập nhật thông tin để thực hiện chế độ, chính sách bảo trợ xã hội cho các đối tượng của một số cấp ủy, chính quyền và tổ chức hội đoàn thể cơ sở còn hạn chế, chưa thường xuyên.
Phát biểu kết thúc buổi giám sát tại, bà Lê Thị Hà đánh giá cao kết quả thực hiện các quy định chính sách BTXH đối với đối tượng BTXH trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế mà thành viên Đoàn giám sát đã chỉ ra đề nghị các đơn vị quan tâm khắc phục. Đề nghị, trong thời gian tới các đơn vị cần rà soát chặt chẽ trong việc thẩm định các trường hợp phát sinh mới, tăng, giảm mức trợ cấp kịp thời; quan tâm việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng BTXH được kịp thời khi được xét là đối tượng hưởng chế độ; rà soát lại các đối tượng đã từ trần. Nhấn mạnh các thành viên Hội đồng xác định đối tượng cần tích cực tham gia đầy đủ trong quá trình đi thẩm định; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ chuyên môn. Đoàn giám sát tin tưởng rằng, các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung trên sẽ góp phần thực hiện tốt quy định chính sách BTXH đối với đối tượng BTXH trên địa bàn trong thời gian tới./.
Nguyễn Sơn