Si Ma Cai nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, là huyện miền núi, biên giới, tiếp giáp với huyện Mã Quan - tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Nơi đây là miền đất cổ, được coi là “Phên dậu của Tổ quốc”; người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Xác định rõ những thuận lợi và khó khăn, huyện Si Ma Cai đã tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung triển khai phát triển nông nghiệp hàng hoá nhằm nâng cao đời sống cho người dân.
Trong những năm qua, huyện luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp luôn được Thường trực Huyện ủy, UBND huyện quan tâm. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để tổ chức, triển khai thực hiện việc phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn. Tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Điều kiện tự nhiên nơi đây có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp với các cây ăn quả ôn đới như: Đào, lê, mận,… và các cây dược liệu như: Đương quy, cát cánh, gừng, thảo quả,... Người dân cần cù, chịu khó lao động, thâm canh tăng vụ, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, luôn có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, có ý chí thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Công tác tuyên truyền vận động luôn được đẩy mạnh. Sử dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền qua các hình thức trực quan,... đã đăng tải các tin, bài trên các cổng thông tin, trang mạng xã hội, xây dựng các chương trình, phóng sự tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, phát tờ rơi, băng zôn, pano tuyên truyền,…
Việc tiêu thụ sản phẩm được các đầu mối thu gom tại các chợ trên địa bàn và các hộ dân thu gom trực tiếp, một phần bán hàng qua các trang Thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...). Bên cạnh việc thu hái quả, đến mùa hoa lê, hoa mận, hoa đào nở, nhiều địa phương tổ chức các lễ hội, mở cửa tham quan, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm góp phần nâng cao giá trị.
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển nông nghiệp hàng hoá trên địa bàn huyện Si Ma Cai phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức sau:
Diện tích đất canh tác thấp, đất đai có độ dốc lớn, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, năng suất cây trồng rất thấp. Khí hậu diễn biến bất thường, nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan như: Hạn hán, rét đậm, rét hại kéo dài, mưa đá,... đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn còn chậm, sản xuất còn nhỏ lẻ chưa thực sự trở thành vùng sản xuất hàng hoá. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là truyền thống chưa có thương hiệu. Năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa có tính cạnh tranh chưa cao, thiếu bền vững. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và quy trình sản xuất chưa phổ biến.
Huyện đã chủ động tìm kiếm, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư.
Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, trình độ thâm canh không cao, sản lượng ít, chất lượng chưa cao, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Việc áp dụng đưa máy móc vào nông nghiệp hoá nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc quy hoạch sản xuất tập trung.
Từ 2022 đến hết năm 2024, ngành nông nghiệp huyện Si Ma Cai tăng trưởng bình quân 10,9%/năm. Riêng năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 1.118,23 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
Trong thời gian tới, để vươn tới tương lai của sự phát triển, huyện Si Ma Cai cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quán triệt sâu sắc quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Tiếp tục ban hành các văn bản về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá và triển khai có hiệu quả trên địa bàn huyện. Nâng cao trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo của địa phương, người đứng đầu cấp ủy chính quyền trong việc bám nắm địa bàn.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với nhu cầu thị trường. Tập trung phát triển những sản phẩm mà huyện có thế mạnh như: Cây ăn quả ôn đới (Mận địa phương, Lê xanh, Lê tai nung, cây hồng giòn…), cây dược liệu (đương quy, sa nhân…), duy trì phát triển cây cổ, chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa), gia cầm (vịt Sín Chéng, gà đen bản địa), quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp để sản xuất tập trung, quy mô lớn nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa phát triển, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún như hiện nay.
Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương và người dân gắn ngành nghề nông nghiệp với phát triển du lịch nhằm tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập và bảo tồn nghề truyền thống, văn hóa bản sắc các dân tộc trên địa bàn.
Hai là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều phương thức khác nhau như đăng tin, bài trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, thông qua các cuộc họp, các buổi sinh hoạt tập trung, tổ chức hội nghị, hội thảo. Coi trọng việc phổ biến những cách làm hay, mô hình tốt, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả đã được thực hiện thành công từ thực tế để người dân học tập, làm theo. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường phát triển thương mại điện tử trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối đưa nông sản địa phương vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ,… giúp người dân có ý thức vươn lên làm giàu.
Phát động các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia xây dựng nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại.
Ba là, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm của huyện cả trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển xã hội và môi trường bền vững. Đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị và giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của huyện trên thị trường.
Tranh thủ các nguồn lực từ các Chương trình, chính sách hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, của tỉnh trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống của cư dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Tiếp tục khảo nghiệm, đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn với nhu cầu thị trường. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất các ngành hàng chủ lực, tiềm năng đảm bảo tập trung, quy mô lớn.
Bốn là, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,… đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với trình độ dân trí địa phương. Ứng dụng, phát triển nông nghiệp khoa học công nghệ ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, hộ gia đình… nơi có đủ điều kiện, kết hợp phát triển các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần đưa nông nghiệp hàng hoá huyện Si Ma Cai nâng lên tầm cao mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân địa phương và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn trên địa bàn huyện Si Ma Cai./.
Vũ Thị Hiền
Phạm Thị Mai