Người mà chúng tôi muốn nhắc đến trong phóng sự này, đó chính là ông Hoàng Seo Giáo, Thôn Sín Chải, xã Bản Mế, Ông Giáo được biết đến như là một trong những nghệ nhân tiêu biểu, người có uy tín của xã Bản Mế. Ông đã dành gần 30 năm cho việc lưu giữ, bảo tồn khèn, loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Người lưu giữ, bảo tồn cây khèn mông ở xã Bản Mế.
Theo lời ông Giáo chia sẻ: Đối với ông cây Khèn được coi là cái hồn của dân tộc người Mông, chính vì vậy việc thổi hồn và lưu giữ nó không chỉ còn là trách nhiệm của bản thân ông, thế hệ con cháu sẽ phải kế thừa và phát huy nó. Bởi với ông các giá trị văn hoá truyền thống là một phần giá trị tinh thần không thể thiếu của mỗi dân tộc, những giá trị đó được hình thành và phát triển qua nhiều thời kì, trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống con người. Ông khẳng định dải đất biên cương Si Ma Cai là một lòng chảo chứa đựng bề dày của những văn hóa quý báu đó.
Ông Hoàng A Giáo, Thôn Sín Chải, xã Bản Mế, cho biết: Từ hồi bé tôi đã biết là cây khèn của dân tộc mình rất là độc đáo và đẹp nên từ năm 13 tuổi tôi đã học rồi. Khèn Mông thường được bà con sử dụng làm lý lễ truyền thống hoặc thường được biểu diễn trong những dịp tổ chức văn hóa, văn nghệ của dân tộc. Vì vậy, đến năm 2000 tôi đã học xong kỹ thuật làm ra khèn để chế tạo và bán ra thị trường trong và ngoài nước.
Ông Giáo cho biết thêm: "Với tôi, cây khèn không chỉ thuần tuý là một loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần mà còn là vật tri kỷ đồng hành cùng tôi trải qua biết bao vui buồn trong cuộc sống. Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Mông, ông Giáo còn truyền dạy các kỹ thuật chế tác cây Khèn mông cho con cháu mình, để cây khèn sẽ mãi được lưu truyền từ đời này, sang đời khác, và mãi mãi không bao giờ mai một.
Để chế tác cây khèn tốt, nguyên vật liệu cơ bản cần có là: Gỗ thông, gỗ Pơ Mu, vỏ cây đào rừng, lá đồng, bạc trắng, ống tre, que nứa. Cây khèn được chia thành 3 phần: Thân khèn, ống khèn, đai khèn. Từ khâu chọn gỗ làm thân khèn: Gỗ để làm thân khèn chuẩn và khèn có âm chuẩn cần là loại gỗ Pơ mu trắng hoặc đỏ. Gỗ được chẻ thành từng thanh, phơi khô, chọn thanh dài 80cm trở lên, dùng dao đẽo gọt định hình thân khèn rồi chẻ đôi từ đuôi lên ngọn, cố định phần đuôi và tiếp tục đẽo gọt cho hoàn chỉnh.
Khi đẽo gọt gần hoàn chỉnh, chẻ đôi rời thành hai miếng. Lấy đục cong to khoét bầu, buồng giữ hơi của hai miếng bầu cho vừa ý. Lấy đục cong nhỏ khoét rãnh từ bầu đến ngọn để làm rãnh thổi của 2 miếng. Khi khoét xong ghép 2 miếng vào nhau như khi chưa bổ. Lấy đinh, keo con voi đóng, dán cho chắc hai đầu, tiếp tục gọt cho đều, dùng giấy giáp đánh bóng.
Ống khèn gồm 6 ống, được làm bằng cây tre được luộc cho khỏi bị nứt nẻ, sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô. Việc đúc đồng làm lam khèn là bước quan trọng và khó khăn nhất. Người nghệ nhân phải căn chuẩn tỷ lệ các nguyên liệu: 0,1k đồng dẻo; 0,30gam đồng cứng; 0,10gam đồng đỏ; từ 1 đến 2 hào bạc trắng. Sau khi làm xong công đoạn đúc lam, nghệ nhân cắt lam, chỉnh sửa và lắp ống khèn. Uốn ống, dùi lỗ ống cũng là một công đoạn không kém phần quan trọng trong việc chế tác khèn. Khi lắp, đuôi các ống phải thẳng, đầu cong lên tạo cho dáng khèn đẹp hơn. Đai ống khèn được làm bằng vỏ cây đào rừng. Khèn Mông có hai loại: Loại khèn có âm thanh bổng là khèn ngắn, khèn có âm thanh cao là khèn dài.
Khèn là nhạc cụ độc đáo, đặc trưng gắn đời sống mọi mặt của đồng bào và được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, không gian khác nhau. Nếu như trước đây, tiếng khèn là tiếng lòng, cầu nối giữa người đang sống với thế giới tâm linh, tổ tiên; thì ngày nay ta thường bắt gặp tiếng khèn trong những dịp lễ hội như hội gầu tào.... Đặc biệt, đối với giới trẻ, tiếng khèn còn cất lên lời tỏ tình, tiếng gọi bạn trẩy hội xuân và là những thanh âm đặc trưng của núi rừng Si Ma Cai.
Anh Hoàng Seo Lứ, thôn Sín Chải, xã Bản Mế cho biết Bố tôi dậy tôi được 2 năm rôi, năm nay là năm thứ 2 ngày trước tôi chỉ học thổi thôi chưa học làm, bây giờ mới học làm, cây khèn này phải biết thổi thì mới biết làm được, nếu không biết thổi thì không làm được, mình phải thổi từ đầu đến cuối mới biết được âm thanh của nó, tôi học thổi khèn này là do sởi thích của mình, một phần là lưu giữ phong tục của mình.
Trong những dịp lễ hội hay các sự kiện văn hóa lớn của địa phương, đều không thể thiếu tiếng khèn Mông. Đặc biệt, ngoài hoạt động tổ chức múa, thổi khèn Mông, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và quảng bá khèn, giới thiệu tiếng khèn và các làn điệu múa với bạn bè trong và ngoài nước.
Anh Hoàng Seo Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai cho biết: Thời gian qua chính quyền địa phương đã lập lập kế hoạch để lưu giữ các giá trị văn hóa của người Mông về khèn, đặc biệt là việc chế tác và các điệu múa của khèn của người Mông, được bà con lưu giữ, bảo tồn, phát huy hiệu quả, đặc biệt là nghệ nhân Hoàng A Giáo, đã truyền đạt cho các lớp trẻ, về lưu giữ bảo tồn về cách làm khèn trên địa bàn xã.
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trong đó có khèn Mông đang được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Si Ma Cai đặc biệt quan tâm bằng nhiều chính sách hỗ trợ gắn với phát triển du lịch. Đây là điều kiện để đồng bào dân tộc Mông ở địa phương khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; từ đó tự nguyện tham gia gìn giữ, góp phần xây dựng nền văn các dân tộc huyện Si Ma Cai, đậm đà bản sắc dân tộc./.