HĐND huyện Si Ma Cai giám sát chuyên đề về kết quả trồng, chăm sóc bảo vệ rừng giai đoạn 2016 – 2022
Chiều ngày 10/5/2023, đoàn giám sát của HĐND huyện Si Ma Cai đã có buổi làm việc với UBND huyện về kết quả thực hiện chương trình trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, chi trả sử dụng kinh phí bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2022. Đồng chí Trần Bích Sửu – Phó chủ tịch HĐND huyện, trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc, dự buổi làm việc có lãnh đạo UBND huyện, thành viên Đoàn giám sát , UBND các xã, thị trấn và các cơ quan liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND huyện Tổng diện tích tự nhiên là 23.450,52 ha: Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 12.308,90 ha (quy hoạch cho phòng hộ 8.278,70 ha, sản xuất 4.030,20 ha); diện tích có rừng là 10.425,83 ha trong đó, rừng phòng hộ 6.731,36 ha (rừng tự nhiên 4.446,93 ha; rừng trồng đã thành rừng 1.722,89 ha; rừng trồng chưa thành rừng 561,54 ha); rừng sản xuất 3.694,47 ha (rừng tự nhiên 1.700,20 ha; rừng trồng đã thành rừng 1.810,10 ha; rừng trồng chưa thành rừng 184,17 ha); rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 437,54 ha (rừng tự nhiên 26,14 ha, rừng trồng 152,01 ha, rừng trồng chưa thành rừng 259,39ha); tỷ lệ tàn che phủ rừng đạt 42,0% so với tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng tập trung được 2.205,6 ha trên địa bàn 10 xã, Thị trấn từ năm 2016 cho đến nay. Trong đó (trồng rừng phòng hộ 532,9 ha; trồng rừng sản xuất 1.672,7 ha); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 400 ha; trồng cây phân tán 337,3 nghìn cây các loại; hướng dẫn các hộ khai thác gỗ rừng trồng, cây trồng phân tán với khối lượng 9.368,5 m3 gỗ tròn nhóm V đến nhóm VIII.; chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo kế hoạch hàng năm, trong đó bao gồm trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ rừng tự nhiên và bảo vệ rừng trồng phòng hộ. Trong công tác bảo vệ chi trả, sử dụng kinh phí bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2016 – 2021, huyện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên 18 tỷ đồng… Từ các chương trình hỗ trợ trồng rừng, kinh phí bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng đã thu hút người dân tham gia bảo vệ rừng, hiệu quả kinh tế thu được từ công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
giám sát chuyên đề về kết quả trồng, chăm sóc bảo vệ rừng giai đoạn 2016 – 2022
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Bích Sửu - Phó Chủ tịch HĐND huyện đánh giá cao những kết quả mà UBND huyện đạt được trong công tác trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2016 – 2022. Đồng thời, chỉ rõ một số nội dung mà UBND huyện cần quan tâm thực hiện trong công tác trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng như: Điều chỉnh lại Quy hoạch phát triển rừng sao cho phù hợp với địa phương, qua đó đề ra chỉ tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm; tăng cường công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm đến với người dân được biết các chính sách của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng; nâng cao công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành huyện trong việc quản lý bảo vệ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc trồng rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai… Đối với công tác trồng rừng trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND huyện đề nghị ngành chuyên môn cần chủ động nguồn giống và phải đảm chất lượng cây giống; đẩy mạnh chăm sóc các loại cây đã trồng; sử dụng nguồn vốn trồng rừng đúng mục đích; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ khuyến nông xã trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cho người dân; lập hồ sơ quản lý theo quy định đối với những diện tích rừng đã thực hiện…