Mưu sinh trên dòng Sông Chảy

Đây là khu vực thuộc lòng hồ thủy điện Cốc Ly, trước kia vốn là những mảnh ruộng, vạt nương, nhưng từ khi thủy điện Cốc Ly, làm đập ngăn dòng, nước dâng tạo thành vùng lòng hồ mênh mông, đầy ắp cá tôm.

anh tin bai

 

Có mặt ở bến Phìn Chư, xã Nàn Sín cũng là lúc mặt trời đã nấp sau dãy núi Tả Thàng. Chàng trai người Mông Vàng Seo Chơ vác theo lồng bát quái, bắt đầu cuộc mưu sinh trên dòng sông chảy. Cũng như anh vài chiếc thuyền cũng vừa rời bến Phìn Chư, đưa người dân trở về những “căn nhà nổi” trên sông Chảy.
Trên khu nuôi cá lồng của Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp, dịch vụ, thương mại và dược liệu Nàn Sín. Mọi người đang tất bật chuẩn bị công việc mưu sinh quen thuộc trên lòng hồ. Các tấm lưới bát quái đã được liên kết với nhau, để thuận tiện cho việc đánh bắt thủy sản. Anh Vàng Seo Chơ, thôn Phìn Chư , xã  Nàn Sín cho biết: Khi thả lưới bát quái, mỗi muột buổi tối tôi cũng bắt được khoảng 15kg cá tôm. Công việc này tôi cũng mới làm được hơn một năm nay
Nhanh nhẹn, thuần thục là những điều tôi cảm nhận được từ những chàng trai, người nhẹ nhàng khua mái chèo, người đứng mũi thuyền vừa rọi đèn vừa bắt đầu cho mồi vào lưới bát quái, cẩn thận kiểm tra lại, rồi thoăn thoắt rải lưới, thuyền đi đến đâu, lưới bát quái thả tới đó. Sau khi hoàn thành công việc, chiếc thuyền trở về  nhà nổi. 
Khi thuyền đến nhà nổi cũng là lúc bữa cơm tối đã chuẩn bị tươm tất. Dù trên sông nước nhưng bữa cơm gần như không thiếu thứ gì, nào cá hồ nướng thơm phức, gà bản nướng vàng ruộm, tôm sông rang đỏ au, ngọt lịm, cùng bát ớt nướng cay nồng. Bữa cơm càng thêm đầm ấm khi các chàng trai người Mông chia sẻ về cuộc sống sông nước của mình. Trao đổi với tôi  Giàng Seo Hồ, thôn Phìn Chư, xã Nàn Sín cho biêt: Cái nghề trên sông nước cũng là một nghề rất là thú vị, là niềm đam mê của chúng tôi. Đêm nào mà bắt được nhiều cá, nhiều tôm chúng tôi rất vui, tinh thần thoải mái, phấn khởi
Khu vực này, trước kia là nơi cấy lúa, trồng ngô, sau khi thủy điện Cốc Ly làm đập, ngăn dòng, nước dâng lên, ngập gần hết khu vực canh tác của người dân 3 thôn. Nơi này lại có nhiều tôm cá lên trở thành khu vực mưu sinh của người dân.

anh tin bai

Trời mỗi lúc một tối, nên ánh điện sáng rực được treo cách mặt nước 20 cm, giữa chiếc vó rộng hơn 60 m2, đã trở thành “mồi nhử” với đàn cá, đàn cá bơi quanh tạo nên một xoáy nước trên mặt nước. Nhận thấy “xoáy nước” mỗi lúc một rộng, nghĩa là có nhiều cá, các chàng trai người Mông đã khẩn trương “hốt trọn” mẻ cá này. Khi chiếc vó nặng cá được đưa lên khỏi mặt nước. Theo ước tính thì mẻ cá này khoảng 20 - 30 kg. Theo quan sát, hầu hết là loại cá mương. Với người Mông ở Phìn Chư thì họ gọi là cá lá tre vì trên mặt nước giống chiếc lá tre. Sau khi phân loại, họ chọn những chú cá to đều, làm sạch mang bán, với giá 40.000 đồng/kg, còn lại làm thức ăn cho cá lồng. Sau khi kéo vó, các anh tiếp tục chèo thuyền đi thu lưới “bát quái”. Trời tối đen như mực, song các anh rễ ràng chèo thuyền đến điểm đã định. Do nhà gần bến sông, các anh thuộc địa hình như lòng bàn tay.  Nhờ kinh nghiệm này mà Chơ chưa bao giờ thất bại khi thả “bát quái”. Lần này cũng vậy, dù thu “bát quái” sớm hơn bình thường nhưng Chơ cũng “bắt” được gần 10 kg tôm. Số thủy sản này sẽ được người đi thuyền đến tận nơi thu mua với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, nếu mang ra chợ Sín Chéng thì có thể bán được với giá từ 180.000 -200.000 đồng/kg. Nói về công việc này anh Vàng Seo Chơ thôn Phìn Chư, xã Nàn Sín cho biết:: Làm công việc này, ngoài việc có thêm nguồn thu nhập cao cho gia đình, thì nó còn là niềm đam mê, và cũng rất là thú vị , thoải mái sau 1 ngày lao động vất vả
Nhìn những thành quả thu hoạch được trong lần đi đánh bắt hải sản này, Tôi biết, các anh rất vui bởi món quà từ khúc sông quê hương đã giúp gia đình anh và nhiều gia đình khác ở nơi lòng hồ sông Chảy có thêm nguồn thu nhập, dẫu rằng mưu sinh trên sông nước có nhiều rủi ro. Những người rong ruổi trên sông nước như các anh Sùng Seo Dìn, Giàng Seo Thành, Giàng Seo Hồ, Vàng Seo Chơ, Sùng Seo Giống… để bắt con cá, con tôm đều là những nông dân vùng cao cần cù, đam mê với nghề và có cá tính rất riêng. Họ đã và đang tạo nên bức tranh văn hóa sông nước đầy sắc màu, hấp dẫn với du khách khi trải nghiệm ở nơi tam giác sông Chảy.

 
Thanh Nhàn
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1