Những nét nổi bật trong thực hiện luật hòa giải ở cơ sở tại huyện Si Ma Cai
Những năm qua công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở được UBND huyện Si Ma Cai quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ. Đã góp phần giải quyết dứt điểm các mẫu thuấn, tranh chấp ngay từ cơ sở. Hạn chế phát sinh điểm nóng, khiếu kiện vượt cấp, tranh chấp kéo dài. Công tác hòa giải, giúp các bên tranh chấp, tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở phù hợp với pháp luật, và đạo đức xã hội.
Thông qua việc phát hiện và giải quyết kịp thời, tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong nhân dân, việc hòa giải ở cơ sở đã giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng. Phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội, giảm bớt tình trạng gửi đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan hành chính nhà nước. Tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân, đồng thời, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức tôn trọng pháp luật.
Một số hình ảnh hòa giải tại cơ sở
Đội ngũ hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn. Công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở luôn được sự quan tâm. Do vậy mà hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện từng bước nâng cao chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp.
Một số xã Luật hòa giải ở cơ sở thật sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, cùng với đó sự linh hoạt, sáng tạo của các hòa giải viên trong việc hòa giải, để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Nói về vấn đề này anh Giàng A Phừ, Chủ tịch UBND xã Quan Hồ Thẩn cho biết: Vai trò của hòa giải viên cơ sở hết sức là quan trọng, nhằm giải quyết dức điểm các vụ việc ở thôn bản, từ đó đã giải tải việc chuyển lên cấp trên, đảm bảo tình hình an ninh chính trị ở địa phương, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục duy trì tổ hòa giải cơ sở ở các thôn bản.
Hàng năm UBND các xã, thị trấn đều tổ chức bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên nhằm giúp cho các hòa giải viên ở cơ sở nắm bắt kịp thời các chủ trường đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Nói về công tác này ông Giàng Seo Chư, Trưởng phòng tư pháp huyện cho biết thêm: Trong quá trình tham mưu triển khai luật hòa giải cơ sở, trong 10 năm qua phòng tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch phối hợp với mặt trận tổ quốc huyện, chỉ đạo công chức tư pháp xã phối hợp với mặt trận tổ quốc xã, chất lượng đội ngũ hòa giải viên đã được nâng lên trong thời gian qua, trong 10 năm triển khai thì các tổ hòa giải đã tiếp nhận 344 vụ việc, đã hòa giải thành 322 vụ đạt trên 94%.
Phòng Tư pháp thường xuyên kiểm tra công tác hòa giải như một nội dung trong kiểm tra toàn diện công tác tư pháp theo định kỳ. Việc kiểm tra được thực hiện thông qua hoạt động kiểm tra lồng ghép trong công tác kiểm tra của Phòng Tư pháp và tự kiểm tra của các của các xã, thị trấn. Qua đó đã kịp thời hướng dẫn và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Hòa giải cơ sở tại địa phương.
UBND huyện luôn kịp thời khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong việc thi hành Luật hòa giải ở cơ sở cũng như trong công tác hòa giải ở cơ sở. Các hoạt động của Tổ hòa giải thôn Tả Cán Hồ thời gian qua đã đi vào nề nếp, công tác hoà giải được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hoà giải thành trong số các vụ việc góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Trò chuyện với tôi ông Hoàng Lùng Pao, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Tả Cán Hồ, xã Quan Hồ Thẩn vui mừng cho biết: Tổ hòa giải của chúng tôi có 5 đồng chí do tôi làm tổ chưởng tổ hòa giải, còn lại là 4 thành viên, trong quá trình hòa giải các vụ việc chúng tôi có mời thêm những người có uy tín ở thôn, cho các bên tranh chấp ký cam kết sau này ai tái phạm thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Trong thời gian qua, tổ hòa giải thôn Tả Cán Hồ đã tiếp nhận và thực hiện hòa giải 12 vụ việc, trong đó có 02 vụ tranh chấp đất đai; 03 vụ việc sinh hoạt cộng đồng; Tranh chấp dân sự khác 02 vụ việc. Trong đó hòa giải thành 12/12 vụ việc đạt 100%. Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hoà giải viên của thôn bằng kiến thức pháp luật đã được tập huấn, bằng kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hoà giải thành công nhiều vụ việc, góp phần đem lại sự yên vui, giữ gìn tình làng nghĩa xóm.

Một số hình ảnh hòa giải tại cơ sở
Còn đây là cuộc gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệp giữa các Hòa giải viên, tại gia đình anh Thào Seo Kéng, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Lử Thẩn, xã Lùng Thẩn. Trong buổi gặp này các hòa giải viên cùng nhau trao đổi các kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động bà con trong thôn luôn chấp hành đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như của địa phương. tuyên truyền vận động cho các bên giữ gìn tình làng, nghĩa xóm. Trao đổi những kinh nghiệm của mình với tôi anh Thào Seo Kéng, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Lử Thẩn, xã Lùng Thẩn cho biết thêm: Khi biết có tranh chấp, chúng tôi bao giờ cũng đến kiểm tra xem hộ nào tranh chấp với hộ nào, sau đó chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra tại khu đỉa điểm mà xảy ra tranh chấp đấy. Tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan, tìm cách giải quyết thấu tình đạt lý nhất.
Để thực hiện có hiệu quả công tác Hòa giải ở cơ sở, anh Kéng đã luôn học tập, nâng cao trình độ hiểu biết, để vận dụng trong giải quyết các vụ việc hòa giải. Thường xuyên phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội trong thôn để giải quyết các mâu thuẫn nhỏ của các hộ gia đình. Anh luôn chủ động, phân công các hòa giải viên thực hiện hòa giải các vụ việc mẫu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng dân cử đảm bảo đúng pháp luật, giữ gìn an ninh, chính trị ở thôn. Nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, gia đình hạnh phúc, xóm làng yên vui. Trong những năm qua, tổ hòa giải thôn Lử Thẩn đã trực tiếp tham gia hòa giải thành 09 vụ việc, trong đó: Lĩnh vực hôn nhân và gia đình: 03 vụ việc; Tranh chấp đất đai: 04 vụ việc; tranh chấp đất rừng: 02 vụ việc.
Có được kết quả đó, cũng là nhờ sự phối hợp của các cấp, các ngành, các thôn, tổ dân phố đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố. Trong đó đề ra các biện pháp duy trì, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa trong các khu dân cư.
Công tác xây dựng củng cố, kiện toàn số lượng hòa giải viên được thực hiện hàng năm, Đến nay trên địa bàn huyện có 62 thôn, tổ dân phố với 62 tổ hòa giải có 285 hòa giải viên. Mỗi tổ hoà giải có từ 03 đến 05 hoà giải viên do Trưởng thôn hoặc Trưởng ban MTTQ làm tổ trưởng, đa số các hòa giải viên là những người có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên là những người có uy tín, có trách nhiệm với công việc hòa giải ở cơ sở.
Chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ngày càng được nâng cao. Hòa giải viên có trình độ chuyên môn từ Trung cấp trở lên, chiếm tỷ lệ 32%. Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của chính quyền cơ sở. Từ năm 2013 đến 30/6/2023, Trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã tiếp nhận và thực hiện hòa giải tổng số vụ việc là 344 vụ việc, trong đó hòa giải thành 322 vụ việc đạt 94%, hòa giải không thành 22 vụ việc chiếm 6% .
Trong những năm qua, các vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn được tổ hòa giải tiếp nhận và giải quyết kịp thời, hạn chế đơn thư lên cấp trên. Khi tiếp nhận vụ việc, các thành viên tổ hòa giải nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh, đến tận nơi tìm hiểu, xác minh để có hướng giải quyết "thấu tình, đạt lý". Tỷ lệ tham gia hòa giải thành các vụ việc phát sinh hằng năm từ 80% trở lên, nhiều xã trên 90% về tỷ lệ hòa giải thành.
Nhìn chung, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ hòa giải thành cao. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, nhiệt tình trong việc hàn gắn những rạn nứt về tình cảm, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa phương./.