Thấm thoắt đã 15 năm, huyện Si Ma Cai được tái lập, quãng thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ thấy được sự đổi thay lớn ở huyện vùng cao, biên giới này.
Si Ma Cai đổi thay
Thực hiện Nghị định số 18/2000/NĐ-CP, ngày 22/9/2000, huyện Si Ma Cai được tái lập, từng bước công cuộc dựng xây và phát triển. Mấy năm đầu tái lập, đường từ Bắc Hà lên, đèo dốc quanh co, một bên là núi đồi, một bên là vực sâu; họa hoằn mới có chuyến xe khách từ thị xã Lào Cai hoặc Bắc Hà vào. Trụ sở làm việc của các cơ quan huyện hầu hết là nhà tạm, khá lắm thì là nhà cấp 4, tất thảy đều bừa bộn, ngổn ngang. Nhiều trụ sở làm việc đồng thời cũng là nơi ăn, chốn nghỉ của hàng trăm con người. Từ 21h trở đi, thậm chí 20h nếu vào mùa đông, là “phố xá” vắng lặng, ánh đèn heo hắt. Khổ sở hơn cả là việc mua nhiên liệu, do chưa có cây xăng, nên các phương tiện, máy móc sử dụng xăng, dầu rất hạn chế…
 |
Trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai được xây dựng khang trang. |
Trung tâm huyện đã vậy, tại các xã khác trong huyện, khó khăn, thiếu thốn còn gấp nhiều lần. Nhớ lại thời gian khó ấy, anh Giàng Sín Chớ, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thào Chư Phìn (nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai) kể: Trong một lần vào Cán Hồ công tác, chẳng may, “quả” Minsk của anh bị hỏng bu-gi, phải nhắn về Bắc Hà mua chuyển lên, mất tròn 3 ngày, chiếc bu-gi mới về đến Cán Hồ. “Mấy đêm liền, tôi với anh Phạm Ức Trai, giáo viên ở Cán Hồ, nay là Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, rủ nhau đốt đuốc bắt ếch ngoài ruộng. Có người nói vui, vì xe hỏng bu-gi mà ếch ở Cán Hồ hết sạch!” - anh Chớ hồi tưởng lại.
Những ai từng chứng kiến Si Ma Cai những ngày đầu tái lập, nay trở lại hẳn sẽ rất ngạc nhiên trước sự đổi thay nơi huyện vùng cao, biên giới này. Trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai ngày nay với nhiều trụ sở to đẹp, nhiều ngôi nhà mới mọc lên, dịch vụ thì phong phú. Trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai tuy không rộng, nhưng được quy hoạch, xây dựng bài bản với những kiểu kiến trúc hiện đại gắn với lối kiến trúc truyền thống của đồng bào vùng cao trên cơ sở tôn trọng tối đa hiện trạng về địa hình.
Cùng anh Ngô Đình Nam, Phó Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện rong ruổi trên chiếc xe máy vào Cốc Rế, thuộc xã Bản Mế (1 trong 7 thôn khó khăn nhất huyện Si Ma Cai hồi mới tái lập huyện). Trước kia muốn vào đây phải leo, phải trèo núi, có đoạn phải bám dây leo mà lên, mà xuống. Nay, tuyến đường đã được mở men theo dòng sông trong mát róc rách quanh năm. Chị Bùi Thị Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế (đội viên Dự án 600 trí thức trẻ), vốn là cô giáo ở xã, bảo: Có đường, Cốc Rế giờ không còn nghèo nữa, từ khi Thủy điện Bắc Hà hoàn thành, Cốc Rế có thêm nghề nuôi cá lồng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nơi đây.
Không chỉ Cốc Rế, mà cả 6 thôn khó khăn trước kia: Nà Chí (Lùng Sui), Lù Dì Sán (Sán Chải), Phìn Chư 3 (Nàn Sín), Cẩu Pì Chải (Thào Chư Phìn), Sảng Nàng Cảng (Lử Thẩn) và Sừ Pà Phìn (Quan Thần Sán) đều đã có đường vào đến trung tâm. Đó là “kỳ tích” đối với Si Ma Cai nói chung và đối với 7 thôn nói riêng. Kỳ tích ấy được bắt đầu từ cuối năm 2002 với việc ra quân toàn huyện để làm tuyến đường từ Nhừu Cồ Ván vào Sừ Pà Phìn (xã Quan Thần Sán), mở đầu “chiến dịch” làm 37 km đường vào 7 thôn này. Năm 2003 và những năm tiếp theo, các chương trình trọng tâm hướng về cơ sở của Tỉnh ủy, trong đó có chương trình làm đường liên thôn, đã tiếp thêm sức mạnh cho Si Ma Cai. Trước năm 2001, toàn huyện chỉ có 21 thôn có đường ôtô (chủ yếu là những thôn ven đường trục chính), nhưng đến nay, đường đến tất cả 98 thôn đã thông suốt bốn mùa. Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Si Ma Cai hồ hởi đón nhận, tích cực thực hiện, đã, đang và sẽ góp phần xây dựng Si Ma Cai tươi đẹp hơn…
Bản sắc con người Si Ma Cai
Cuối năm 2006, tôi có chuyến công tác đáng nhớ tại Si Ma Cai và sau đó đã viết bài “Bản sắc con người Si Ma Cai”. Lần này, đến Si Ma Cai đúng dịp 15 năm tái lập huyện, cảm xúc về mảnh đất, con người Si Ma Cai trong tôi tràn về, xin trích lại một số đoạn của bài viết này:
“Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần đến Si Ma Cai, chỉ biết rằng mình đã đặt chân đến hầu hết thôn, bản trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới này; đã gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí là được “hầu rượu” nhiều bậc cao niên bản xứ từ tối đến tang tảng sáng. Nhưng có chuyện mà tôi không thể nào quên, đó là lần được gặp cụ Ly Seo Di ở xã Sín Chéng, trong ngôi nhà nhỏ của cụ. Khi đó, cụ Di 75 tuổi, cụ không nói được tiếng phổ thông và qua “thông ngôn” là ông Ly Seo Hòa, con út cụ Di, tôi được biết cụ là con cả trong một gia đình nông dân nghèo ở Sín Chéng. Ruộng đất ít, sưu thuế nhiều khiến cuộc sống hết sức khó khăn. Cách mạng thành công, cụ sớm giác ngộ. Tuy không biết chữ, nhưng cụ vẫn tích cực tham gia lực lượng dân quân xã, vận động đồng bào không đi theo phỉ mà phải cùng bộ đội tiễu phỉ. Sau này, cụ cũng là người tích cực xây dựng hợp tác xã ở Sín Chéng trở thành hợp tác xã vùng cao điển hình…”.
 |
Máy móc góp phần giải phóng sức lao động của con người. |
Cụ Di sinh được 3 người con: Ly Seo Lùng, Ly Seo Dìn, Ly Seo Hòa. Là anh cả, để làm gương cho các em, ông Lùng luôn tâm niệm: Cho dù khó khăn đến đâu cũng phải học. Cách mạng đã đem đến tự do, độc lập thì phải học cái chữ để biết vượt qua đói nghèo, để còn phục vụ nhân dân. Bản thân ông Lùng luôn gương mẫu rèn luyện trong công tác, lăn lộn với thực tiễn và trở thành cán bộ chủ chốt của huyện Si Ma Cai.
Ở gia đình cụ Di, yếu tố bản sắc dân tộc, dòng họ luôn được gìn giữ và phát triển, kế thừa qua các thế hệ. Con cháu cụ hầu hết được học hành đến nơi, đến chốn và đặc biệt là đều nhận thức được bổn phận phục vụ đồng bào. Có thể thấy được điều này từ ông Ly Seo Lùng. Các thôn, bản của huyện Bắc Hà trước đây (gồm huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai hiện nay), ông đã đến bằng chính đôi chân của mình, nhiều thôn đến rất nhiều lần. Một lần, tôi gặp ông khi đó là Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai, ông kể: “Năm 1981, tôi đến xã Nàn Sín, gặp ông Sùng Sảo Hồ. Nghe tôi kể chuyện định làm đường vào Nàn Sín, ông Hồ bảo: Khi nào sông Chảy chảy ngược mới làm được đường đến đây! Câu nói của ông Sùng Sảo Hồ khiến tôi trăn trở rất nhiều, tôi đã đề xuất chiến lược làm đường vào các xã vùng cao và được Thường trực Huyện ủy, UBND huyện nhất trí ủng hộ. Vài năm sau vào Nàn Sín bằng ôtô, gặp lại ông Sùng Sảo Hồ, tôi phải ngồi hầu rượu cụ già khó tính này suốt đêm để nghe cả trăm lần câu: Đảng ta giỏi thật!”.
“Ơn Đảng, ơn cách mạng, mình được sống trong xã hội tiến bộ thì phải giác ngộ, phải biết vươn lên. Làm cán bộ là để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, không phải để vơ vét cho riêng mình” - lời tâm sự của nguyên Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai Ly Seo Lùng như vẫn bên tai tôi...”.
Nơi ấy Si Ma Cai
Thời gian vẫn trôi, nhưng chợ Cán Cấu vẫn giữ được những nét tinh túy nhất của một chợ phiên vùng cao, phiên nào cũng tấp nập du khách nước ngoài; mảnh đất Si Ma Cai vẫn vô cùng quyến rũ. Si Ma Cai giờ đã có thêm nhiều cư dân từ nơi khác chuyển về sinh sống, nhưng tất cả luôn hòa chung nhịp điệu, cùng làm sáng lên “Tình Si Ma Cai”.
15 năm đã trôi qua. Mặc dù đã đạt những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nhưng Si Ma Cai vẫn là một huyện nghèo do những nguyên nhân khách quan. Si Ma Cai đã và đang nhận được sự chung tay, giúp sức của Trung ương, của tỉnh và nhân dân khắp mọi miền. Đặc biệt, Nghị quyết số 22 ngày 11/11/2014 của Tỉnh ủy “Về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020” mở ra cơ hội lớn để Si Ma Cai “tấn công” mạnh vào đói nghèo. “Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Si Ma Cai đã và đang phát huy nội lực, nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết, đáp lại sự quan tâm, kỳ vọng của tỉnh” - đồng chí Vũ Văn Cài, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai khẳng định.