Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng phát ngôn, ứng phó và giải quyết khủng hoảng truyền thông

Tham dự  Hội nghị tập huấn có đồng chí Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại tỉnh; Tiến sỹ Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam, Nguyên UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng 150 đại biểu là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị; UBND, phòng Văn hóa thông tin, Đài TTTH các huyện, thành phố; lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương và Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh.

 

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, đồng chí Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, Lào Cai được biết đến là một tỉnh năng động và sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, là điểm đến của các du khách, các nhà đầu tư và  thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí trong nước, quốc tế. Lào Cai còn là một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và 42 Cổng thông tin điện tử trên địa bàn đã cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, thông tin đã trở thành động lực, tài nguyên tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Nghị định số 09 của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động cung cấp và xử lý thông tin mà các cơ quan thông tấn, báo chí nêu ra. Tuy nhiên, đây cũng là những nguồn gây bất ổn đối với xã hội và quản lý nhà nước. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đã có nhiều giải pháp, chủ trương, chính sách đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, xử lý các sự cố liên quan đến thông tin, truyền thông. Bên cạnh việc cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, chiều thứ 2 hằng tuần, UBND tỉnh tổ chức cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho các cơ quan thông tấn báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng chí Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Tại buổi tập huấn, Tiến sỹ Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam, Nguyên UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã truyền đạt hia sẻ những kỹ năng quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội; Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chíđồng thời, phân tích chi tiết những ưu, nhược điểm của các loại hình báo chí và đưa ra những cách ứng phó, xử lý khủng hoảng thông tin phù hợp.

Theo Tiến sỹ Lê Doãn Hợp, khủng hoảng truyền thông tạo nên mối đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng, cho uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức và nguy cơ thiệt hại về kinh tế. Các sự kiện có tính chất leo thang và lan rộng một cách nhanh chóng.

 

Tiến sỹ Lê Doãn Hợp, Nguyên UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thuyết trình tại hội nghị

Bằng những nghiên cứu và ví dụ từ thực tiễn, Tiến sỹ Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: Bài học quan trọng nhất, đắt giá nhất là thực tiễn và chúng ta phải tôn trọng thực tiễn; không nên trốn tránh trước báo chí, mà phải tìm cơ hội để tiếp cận với báo chí; báo chí hỏi càng nhiều thì càng có thêm cơ hội để trình bày, giải đáp về ngành mình, đơn vị mình, địa phương mình… Một trong những nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình giải quyết khủng hoảng đó là thông tin nhanh, chính xác, thống nhất. Để giải quyết khủng hoảng thông tin, trước hết, người phát ngôn cần phải thẳng thắn, đối mặt với sự thật, không nên trốn tránh, phải xác định rõ cấp độ khủng hoảng thông tin, đâu là nguồn gốc gây ra khủng hoảng thông tin để chọn phương án để xử lý, chỉ khi xác định được nguyên nhân gây khủng hoảng mới có thể cô lập được nó, nói cách khác là cách ly khủng hoảng với bộ phận khác hay hoạt động khác trong tổ chức. Cùng với đó là cần phải đọc kỹ nội dung thông tin báo chí phản ánh, xem cái gì đúng, cái gì sai, từ đó rà soát và phân tích, đánh giá tình hình, phạm vi và mức độ ảnh hưởng; bình tĩnh để làm nguội những vấn đề nóng và tổ chức phân công người phát ngôn với báo chí; đối thoại trực tiếp với người viết và lãnh đạo cơ quan báo chí bằng thái độ chân thành, khách quan để tìm ra vấn đề; cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cho báo chí, tránh để báo chí bị thiếu thông tin dẫn đến tình trạng nhiễu thông tin; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp phát ngôn với báo chí để thông tin có tính thuyết phục cao; những điều báo chí nói đúng là phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa… ngăn chặn tổn thất do hậu quả của khủng hoảng truyền thông.

Qua Hội nghị tập huấn, mỗi cán bộ lãnh đạo, người phát ngôn của các cơ quan, đơn vị có thêm kinh nghiệm, thực tiễn xử lý khủng hoảng thông tin, sẽ phát huy tốt hơn vai trò “cầu nối” giữa các cơ quan nhà nước với báo chí và công chúng; thường xuyên trao đổi với phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn về những sự việc nổi bật của địa phương để có hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả; các cấp, ngành, địa phương nâng cao kỹ năng, hiểu biết và kinh nghiệm để kịp thời xử lý những sự cố liên quan đến truyền thông, từ đó nâng cao hình ảnh người lãnh đạo, hình ảnh của cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Lào Cai đối nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế.

Lệ Hằng
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1