No ấm biên cương núi ngựa thần.

 Bừng sáng nông thôn mới vùng cao

Những ngày đầu năm, trên giao lộ thênh thang, chúng tôi đến xã nông thôn mới Mản Thẩn. Không khí đầu năm mới, thôn bản ngập tràn tiếng cười, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Làn sương huyền ảo, nhuốm màu cổ tích ôm trọn các bản người Mông, mang hơi thở ngày Tết tràn ngập khắp các nóc nhà. Bản Sảng Mản Thẩn ở độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển, ngược đỉnh núi con đường quanh co dài hàng cây số uốn lượn theo những triền núi. Mặc dù có xe máy nhưng cũng phải mất gần 30 phút, chúng tôi mới có thể vượt tuyến dốc dựng đứng để gặp Trưởng thôn Giàng Seo Sáng. Đến bây giờ, Trưởng thôn Sáng vẫn luôn tự hào về tuyến đường mang tên “kỳ tích”, ông nói: Mất hơn 1 năm, 50 hộ dân Sảng Mản Thẩn mới làm xong. Quả là thời gian dài với tuyến đường dài 5 km, nhưng thực tế để người dân nơi đây đã phải thay phiên nhau đào từng mét đường, đất thì ít mà đá thì nhiều. Hành trình chinh phục ngọn núi, mở lối mòn chỉ vừa bước chân đi bằng những đôi chân trần, bàn tay chai sạm bập từng nhát cuốc, phá đá để tạo hình cho tuyến, vác từng bao xi măng, hộc cát ngược núi. Đôi bàn chân ông Sáng còn đầy những vết sẹo chằng chịt, to kệch. Nhưng thành quả giờ đây không đơn giản chỉ là một tuyến đường. Mà từ đó, rất nhiều công trình từ nhà văn hóa, điểm trường học, tường bao và hệ thống kê bê tông thủy lợi, dẫn nước có giá trị hàng tỷ đồng đã được xây đắp từ chính nguồn đóng góp và công sức của các hộ dân. Giờ đây, cuộc sống ở Sảng Mản Thẩn đã thay da đổi thịt, không còn nghèo đói, sắc xuân đang nhộn nhịp trên quê hương đang từng ngày đổi mới.  

Một địa phương vùng cao còn gặp nhiều cách trở bởi địa hình chia cắt, nhưng người Mản Thẩn đã sớm chinh phục thiên nhiên, rẽ từng khối đá để sớm hoàn thành việc bê tông hóa tất cả các tuyến từ đường trục thôn đến tất cả các tuyến liên gia, ngõ xóm. Những tuyến đường bê tông như những dải lụa trắng vắt vẻo trên non cao, là con đường đi tới lòng dân một cách ngắn nhất. Ấy thế, đó chính là vận hội để Mản Thẩn trở thành xã đầu tiên về đích xây dựng nông thôn mới của huyện vào năm 2015. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giàng Seo Châu vui vẻ nói: Mản Thẩn từ con số “0” tròn chĩnh, khi mới bắt đầu, không có một tiêu chí nào đạt, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến nửa số dân toàn xã. Có lẽ cũng ít ai nghĩ tới chuyện Mản Thẩn sẽ về đích chỉ sau 4 năm.

Người dân Si Ma Cai sẵn sàng góp công, góp của chung sức xây dựng nông thôn mới.
Người dân xã Cán Cấu tham gia đổ đường bê tông nông thôn
Người dân xã Mản Thẩn tích cực duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Nhiệm kỳ 5 năm trước đã tạo nền tảng vững chắc để Si Ma Cai nhiệm kỳ này, cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự đồng thuận của người dân đã tạo bước chuyển mình mạnh mẽ. Mùa xuân này, Si Ma Cai “kết nạp” thêm xã Nàn Sán để trở thành xã thứ 5 trong nhiệm kỳ về đích xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã có 6/13 xã đã cán đích. Một huyện 30a của Chính phủ còn rất nhiều khó khăn, nhưng đến nay đã có tỷ lệ xã đã về đích xây dựng nông thôn mới gần như cao nhất tỉnh (chỉ sau Bảo Thắng). Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Viên Đình Hiệp cười vui: Cứ đà này có khi Si Ma Cai sẽ trở thành huyện “nghèo” nông thôn mới  đầu tiên của cả nước.

Khi Đảng cần, người dân có

Trong không khí đầu xuân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Seo Vảng tự hào nói về thành tích xuyên suốt trong 5 năm với nhiều con số ấn tượng. Sản lượng nông nghiệp đạt đạt 26.177 tấn (mỗi năm tăng hơn 1.000 tấn), đàn gia súc có tổng số hơn 43.620 con, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Từ 50 ha mận địa phương nay người dân đã trồng được diện tích hơn 832ha cây ăn quả (trong đó có 695ha cây ăn quả ôn đới) để tạo ra vùng cây ăn quả đầy tiềm năng và triển vọng. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 28,4 triệu đồng/người/năm (vượt 142% mục tiêu nghị quyết). Tỷ lệ hộ nghèo giảm ngoạn mục từ 57,01% số hộ đầu nhiệm kỳ, nay chỉ còn 16,35%.  Mặc dù còn gần 1 năm thực hiện nghị quyết nhưng có đến 99% các mục tiêu nghị quyết đã hoàn thành. Quả là đầy ấn tượng trong 5 năm và đầy tự hào trong chặng đường gần 20 năm kể từ khi tái lập huyện.

Hành trình suốt 5 năm qua chứng kiến sự thay đổi rất ấn tượng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhưng theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy thì điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân. Mỗi khi cấp ủy tuyên truyền, chính quyền vào cuộc là người dân đều ở đó, làm theo và luôn tích cực góp sức hết mức. Chính từ sức dân để cấp ủy, chính quyền mới hoàn thành thắng lợi toàn bộ những mục tiêu đầy nặng nề đã đặt ra, vang khúc ca khải hoàn: Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống rồi đấy! Chẳng vậy mà khi làm con đường lên Sảng Mản Thẩn, ông Giàng Seo Lùng ở đầu thôn không ngần ngại dỡ nhà để tuyến đường bê tông thẳng hơn. Cảm nhận được niềm tin sắt son của người dân với Đảng, đi theo Đảng, làm theo lời của Đảng đó chính là người dân ở thôn Na Pá (xã Bản Mế). Mặc dù đã qua nhiều năm nhưng câu chuyện người dân thôn Na Pá hiến toàn bộ đất ở, đất sản xuất và thậm chí là di chuyển nhà cửa để tạo mặt bằng cho xã xây dựng trụ sở UBND xã và trạm y tế xã vẫn là một trong những bài học tuyên vận đắt giá. Đó là niềm tin mà Bí thư Đảng ủy Trần Xuân Hiếu cho biết: Đây là tấm gương điển hình rất lớn, người dân Na Pá luôn sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung chứ không phải của riêng ai. Chỉ cần nhà nước làm, nghị quyết trúng và đúng, người dân sẽ đóng góp vô hạn, không mảy may suy nghĩ.

Ngày thể hiện vai trò của Đảng

Cuộc sống người dân Si Ma Cai ngày một đổi thay là nhờ hàng nghìn bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, đảng viên tận tâm và đầy trách nhiệm vẫn lọ mọ đêm hôm, thức khuya dậy sớm  kiên trì “đến từng ngõ, rõ từng nhà”, mang âm hưởng của những chỉ thị, nghị quyết vong vạng khắp núi rừng mong muốn đem đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong 5 năm qua, Si Ma Cai đã kết nạp được hơn 800 đảng viên. Lịch sử đảng bộ huyện trước đó mới có tổng số 1.476 đảng viên nay đã lên tới hơn 2.200 đảng viên. Việc phát triển đảng viên nhanh và nhiều như vậy đặt ra nhiều câu hỏi. Nhưng theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy thì đó không phải là con số ngẫu nhiên. Đó là tất yếu từ quá trình sản xuất đi lên. Những “người được chọn” là nông dân, phụ nữ, thanh niên xuất phát từ nông thôn, là điển hình tiên tiến nhất trong cách làm hay sáng tạo, tự thân mình với chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo ngay quê hương. Đơn cử như chị Tráng Thị Say ở thôn Say Sán Phìn (Mản Thẩn). Sau khi được kết nạp vào đảng từ năm 2015, chị đã nêu nhiều ý tưởng trong cách tuyên truyền, vận động 20 chị em tham gia trồng rau trái vụ và 35 hộ chị em làm mô hình trồng mận Tả van địa phương với tổng diện tích gần 20 ha. Bước chân những người đảng viên đến đâu, bà con theo đó cùng chinh phục từng ngọn núi cao. Một thế hệ đảng viên nhiệt huyết, có uy tín và đủ bản lĩnh để phát huy vai trò của một đảng viên, với lời thề son sắt với Đảng hứa quyết tâm sẽ cùng với nhân dân đưa Si Ma Cai ngày một phát triển.

 Bức tranh nông thôn mới vùng cao Si Ma Cai

Thay lời kết

 Xuân đã về nơi biên cương trên núi ngựa thần. Câu chuyện phép màu chỉ là giai thoại đẻ đất, đẻ nước, hình thành nét văn hóa nơi biên giới rồng tiên. Chính cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đang chung sức đồng lòng để tạo những phép màu, kỳ tích ấn tượng để Si Ma Cai ngày càng phát triển. Dưới nắng vàng chiều tà, từng đàn trâu nghị quyết 22 lững thững bước đi, căng bụng trở về. Không khí đón xuân trên khắp mọi làng quê của Si Ma Cai từ cửa ngõ Lử Thẩn đến Nàn Sín ở nơi thượng nguồn sông Chảy, đâu đâu cũng toát lên cảnh thanh bình và đầm ấm. Đây là niềm vui đồng thời cũng là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Si Ma Cai tiếp tục chung tay gìn giữ và phát triển thành quả trong những năm tiếp theo. Hệ thống chính trị các cấp đang vào cuộc để cùng nhìn nhận lại thời gian đã qua. Từ thực tiễn để đưa cuộc sống vào nghị quyết, đặt ra những chỉ tiêu thách thức mới, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân.


 Tác giả: Ngô Thị Hà - Hữu Huỳnh
Ngô Thị Hà - Hữu Huỳnh
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1