Rượu ngô nấu bằng loại men hồng my, vốn là loại rượu truyền thống của đồng bào dân tộc Mông xã Cán Cấu, kỹ thuật làm men, nấu rượu này được một sô hộ dân trong xã lưu truyền từ đời này sang đời khác. Để việc phát triển rượu ngô, nấu bằng men hồng my trở thành thương hiệu, đặc sản riêng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong xã; đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Xã Cán Cấu, đang tích cực triển khai mô hình làng nghề nấu rượu ngô truyền thống bằng men hồng my.
.jpg)
(Các hộ tham gia mô hình)
Tại mô hình làng nghề nấu rượu men hồng my được triển khai tại thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu. Hiện nay, có 07 hộ tham gia, để tạo ra nguồn rượu nguyên liệu đồng đều, các hộ khi tham gia mô hình sẽ được Tổ hợp tác Rượu ngô Cán Cấu cung ứng đầy đủ nguyên liệu đầu vào như: ngô, men rượu, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật ủ men và trưng cất rượu. Để tạo ra loại rượu men hồng my có chất lượng tốt và đảm bảo sức khỏe, trong xuất quá trình sản xuất, các thành viên của Tổ hợp tác sẽ được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giám sát để thực hiện sản xuất rượu theo đúng quy trình. Toàn bộ sản phẩm rượu do bà con tham gia mô hình làm ra đều được Tổ hợp tác bao tiêu với giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, 04 hộ tham gia tổ hợp tác nấu rượu còn được Tổ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật để tận dụng các sản phẩm phụ từ nấu rượu phục vụ cho chăn nuôi lợn và 2 hộ được hỗ trợ kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi trâu vỗ béo từ các sản phẩm phụ của rượu. Với yêu cầu đặt ra là các hộ này phải đầu tư xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh. Đặc trưng của rượu ngô nấu bằng men hồng my, rượu nấu ra có mùi thơm đặc trưng, màu sắc trong suốt, để càng lâu mùi càng thơm, uống càng ngon.
(1).jpg)
Công đoạn làm men hồng my của bà con nhân dân xã Cán Cấu
Gia đình bà Sùng Thị Giáo, một trong số những hộ tham gia mô hình nấu rượu ngô bằng men hồng my, đúng lức gia đình bà đang chuẩn bị nguyên liệu để nấu rượu. Để nấu được những giọt rượu hồng my trong veo, thơm lừng, bà phải bỏ ra nhiều công sức hơn so với nấu rượu bằng men thường. Để làm ra một nồi rượu chừng 25 lít, bà phải dùng khoảng 1,5 kilogram men hồng my và 60 kg ngô hạt. Trung bình một tháng, bà nấu ra trên 300 lít rượu. Với giá bán do tổ hợp tác thu mua tại nhà là 35 nghìn/lít, mỗi tháng trừ chi phí ban đầu cũng cho gia đình bà thu nhập trên 10 triệu đồng.
Chia sẻ thêm với chúng tôi bà Giáo cho biết, quy trình nấu rượu hồng my rất phức tạp, đây là loại rượu được nấu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Để những hạt cây hồng my thành những bánh men rượu thơm phức là cả một nghệ thuật. Khi làm bột men, sẽ căn cứ vào yêu cầu của mẻ rượu để tính toán số lượng hạt cho phù hợp. Sau khi đã có bánh men, sẽ dùng một chiếc mẹt trong đó có giải một lượt rơm lúa tẻ khô để ủ men. Men ủ được ba đến bốn ngày là bắt đầu có mùi thơm. Sau 7 ngày, mẻ men coi như là được, lúc này lớp rơm phủ phía trên sẽ được bỏ ra, nếu thấy men có màu trắng là được, còn mẻ men có màu đen có nghĩa là mẻ men đã bị hỏng.
(Khách thăm, thưởng thức hương vị rượu tại gian hàng của Tổ hợp tác)
.jpg)
Xây dựng thành công mô hình làng nghề nấu rượu ngô men hồng my, sẽ là một bước tiến trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tiến tới mục tiêu, hàng năm sẽ cung cấp khoảng 100.000 lít rượu ngô men hồng my cho trị trường. Hy vọng rằng, mô hình này có thể phát triển bền vững, để đưa rượu ngô men hồng my của xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai trở thành thương hiệu không chỉ của riêng xã mà còn được thị trường trong và ngoài nước đón nhận./.