Bác Hồ nói về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân

Ảnh Minh Họa
Nếu vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền thì vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai, phục vụ cho quyền lợi của ai. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người, thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Sau khi nước ta giành được độc lập, Người khẳng định:
               “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ.
                 Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
                 Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…
                 Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra…
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Bác Hồ quan niệm: dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Đó là điểm khác nhau về bản chất giữa nhà nước của nhân dân với các nhà nước của giai cấp bóc lột đã từng tồn tại trong lịch sử. Theo Bác, dân chủ trong lĩnh vực chính trị là dân làm chủ nhà nước. Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo thực hiện dân chủ với đa số nhân dân và chuyên chính với thiểu số phản động, chống lại nhân dân.
Nói nhà nước là của dân, Điều 1, Hiến pháp năm 1946 do Bác Hồ làm Trưởng ban soạn thảo đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết” (Điều 32, Hiến pháp năm 1946).
Sau khi giành được chính quyền, nhân dân ủy quyền cho các đại biểu do mình bầu ra. Đồng thời: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Trong nhà nước của dân, thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực, hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Cũng với ý nghĩa đó, các vị đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là “công bộc” của dân.
Nhưng cũng có những “vị đại diện” đã lầm lẫn sự ủy quyền đó với quyền lực cá nhân, sinh ra lộng quyền, cửa quyền… Vì cơn khát quyền lực ấy đã đẻ ra biết bao chuyện đau lòng mà Bác Hồ từng phê phán: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.
Nhà nước do dân là nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình: Nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước chi tiêu, hoạt động; Nhà nước đó lại do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ. Vì thế, Bác Hồ yêu cầu: Tất cả các cơ quan nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Nếu chính phủ làm hại dân, không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì nhân dân sẽ bãi miễn nó.
Theo tư tưởng của Bác, chỉ có một nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là nhà nước vì dân được. Đó là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính. Trong nhà nước đó, cán bộ từ Chủ tịch trở xuống đều là công bộc của dân. Vì vậy:
             “Việc gi có lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
               Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Trong gần ¼ thế kỷ, trên cương vị là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới, Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở châu Á, Bác Hồ là một vị Chủ tịch hoàn toàn vì dân. Người đã nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó”.
Bác Hồ đã viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”. Trong các chế độ cũ, nhà nước là bộ máy của giai cấp bóc lột dùng để thống trị và áp bức nhân dân; viên chức, quan lại tự xưng là “cha mẹ dân”, đè đầu cưới cổ dân. Trong chế độ dân chủ, Bác Hồ nói: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.
Đối với cán bộ nhà nước, Bác Hồ không bao giờ chỉ nhấn mạnh một vế. Là người phục vụ, cán bộ nhà nước đồng thời là người lãnh đạo, người hướng dẫn của nhân dân. Người nói: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường”. Trong Di chúc để lại cho đời sau, Bác Hồ nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm thế nào để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Theo ý Bác: Là người đày tớ thì phải trung thành, tận tụy, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ… Là người lãnh đạo thì phải có trí tuệ hơn người, minh mẫn, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, gần gũi nhân dân, trọng dụng hiền tài… Như vậy, để làm người thay mặt dân phải gồm đủ cả đức và tài, phải vừa hiền lại vừa minh.
Để xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, trong 24 năm ở cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đấu tranh khắc phục những căn bệnh cố hữu của các nhà nước kiểu cũ. Muốn thực hiện thắng lợi phải huy động sức mạnh của nhân dân và của cả hệ thống chính trị, sử dụng kết hợp các biện pháp tư tưởng và tổ chức, giáo dục và hành chính, kinh tế và pháp luật…trong đó Người nhấn mạnh hai nội dung cơ bản: Tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức; đề cao phép nước, “nhân trị” đi đôi với “pháp trị”. Kiên quyết chống ba thứ “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng” là tham ô, lãng phí, quan liêu. Người nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân phong kiến… nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính… Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Bác Hồ nhấn mạnh: “…muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải phải tẩy sạch bệnh quan liêu”.
Vì vậy, không thể nói đến một nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, nếu như không kiên quyết, thường xuyên đẩy mạnh cuộc đấu tranh để chặn đứng, tiến tới tiêu diệt tận gốc những nguyên nhân đã gây ra nạn tham ô, lãng phí, quan liêu.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết về củng cố và tăng cường xây dựng bộ máy nhà nước. Đặc biệt, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18- NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, chắc chắn vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước Trung ương và chính quyền địa phương, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Vũ Chiến
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1